Bố tôi từng là người đàn ông chững chạc, trầm tính và nghiêm nghị. Ông là chiến sĩ công an từng đối đầu với biết bao tên tội phạm nguy hiểm. Và rồi trong một lần vây bắt tội phạm, tai nạn đã xảy ra, cuộc sống của cả nhà tôi cũng rẽ theo một hướng hoàn toàn mới. Sau tai nạn, bố tôi sống sót - điều kỳ diệu nhất - nhưng não bộ ông… thì “lùi lại” vài chục năm. Nói ngắn gọn, bố tôi giờ là một “cậu nhóc mười tuổi” trong thân xác người đàn ông trung niên.
Lúc đầu, cả nhà tôi rất sốc, vừa hoang mang vừa đau buồn. Nhưng rồi, chúng tôi cảm thấy may mắn, biết ơn vì bố vẫn còn sống. Từ những khó khăn ban đầu, chúng tôi kiên nhẫn học cách sống cùng “một phiên bản nâng cấp của trẻ con”: To xác hơn, cứng đầu hơn và đặc biệt là rất nghịch ngợm.
Sáng sớm, khi mọi người còn đang ngáp ngắn ngáp dài, bố đã lục tủ lạnh tìm sữa. Bao nhiêu sữa trong nhà cũng bị ông uống sạch. Sức người lớn, vài ba hộp sữa một lúc cũng chẳng đủ để ông giải khát. Nếu thấy tôi loanh quanh ở đó, ông sẽ nghi ngay tôi là người uống sữa của ông, lại khóc lóc ăn vạ đủ đường. Tôi muốn giận mà cười đau cả bụng. Nhưng chính nhờ sự “trẻ thơ vĩnh viễn” ấy của bố mà không khí trong nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng.
Tối đến, bố thường lôi tôi ra chơi trò “oẳn tù tì”, mà luật chơi thì cứ thay đổi liên tục theo hứng của ông. Thua cũng cười, thắng cũng cười, mà hòa thì… cười to hơn. Có lần, tôi thắng ông 3 ván liên tiếp, ông ngồi bặm môi, lẩm bẩm: “Con ăn gian rồi. Không chơi nữa. Đi méc mẹ”. Mẹ tôi chỉ biết lắc đầu, còn tôi thì gục xuống ghế cười rũ.
Tất nhiên, chăm sóc một “đứa trẻ lớn tuổi” không phải lúc nào cũng dễ. Có hôm bố khóc vì không tìm thấy gấu bông yêu thích, khiến cả nhà phải nháo nhác đi tìm; lại có hôm ông đòi mang giày của tôi vì “giày con có hình quả bóng đẹp hơn”. Những lúc ấy, tôi phải vừa là bạn vừa là “huấn luyện viên” cảm xúc cho bố. Nhưng lạ lắm, có những giây phút mệt mỏi, chán nản, tôi luôn cảm nhận rõ tình yêu thương trong từng cái ôm vụng về, từng câu hỏi ngây ngô của ông: “Sao con buồn vậy? Bố không lấy giày của con nữa nhé!”.
Có đôi lúc tôi nhìn bố, người đàn ông mạnh mẽ, vững vàng từng một thời ngang dọc trên các mặt trận chống tệ nạn xã hội đầy kiên cường, giờ ngồi một góc nhà chơi những món đồ trẻ thơ bằng nhựa, miệng không ngừng cười nói vô tri, lòng bỗng dâng lên cảm xúc vừa an yên vừa đau xót, tiếc nuối… Có thật nhiều điều đã mất đi. Nhưng thật lòng mà nói, dù không còn là trụ cột vững chãi như xưa, dù không nhớ nổi ngày sinh của chính mình, và đôi khi trốn ăn rau như trẻ con - bố lại chính là người dạy tôi rất nhiều điều về lòng yêu thương, sự kiên nhẫn và cách tìm thấy hạnh phúc trong gian khó.
Giờ đây, mỗi khi bố dúi vào tay tôi một chiếc kẹo và bảo: “Của con nè, bố xin được của bà tiên”, tôi chẳng còn thắc mắc “bà tiên” ở đâu ra nữa. Tôi chỉ bật cười, cất kẹo vào túi áo và thì thầm: “Cảm ơn bố - em bé lớn tuổi nhất đời con”.
Dù cuộc đời có trớ trêu đến đâu thì tôi vẫn có bố ở bên để cùng cười, cùng khóc, cùng đi qua mỗi dấu mốc quan trọng đời người.
Tôi biết, ông có thể quên mọi thứ, nhưng chưa từng quên cách yêu tôi.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/173234/nguoi-bo-dac-biet
Bình luận (0)