Dự án mở rộng, nâng cấp đường Y Ngông (đoạn Mai Xuân Thưởng - Tỉnh lộ 1) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-UBND, ngày 10/2/2010 (Quyết định số 450) và sửa đổi, bổ sung quy mô, tổng mức đầu tư tại Quyết định số 2680/QĐ-UBND, ngày 27/9/2017 (Quyết định số 2680). Công trình có chiều dài 2,1 km, tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2010, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, UBND tỉnh đã tạm dừng một số dự án do Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư tại Công văn số 326/UBND-CN, ngày 11/1/2013, trong đó có dự án nêu trên. Tiếp đó, ngày 31/12/2013, tại Thông báo số 310/TB-UBND của UBND tỉnh tiếp tục quyết định tạm dừng, cắt giảm tiến độ đối với hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh. Do đó, dự án bị "đắp chiếu" trong thời gian dài gần 4 năm 8 tháng.
Phương tiện chật vật mỗi lần di chuyển qua đoạn cuối đường Y Ngông. |
Nguyên nhân cốt lõi nhất nằm ở chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) đội lên quá cao. Cụ thể, theo Quyết định số 450, chi phí bồi thường, GPMB dự kiến là hơn 5,9 tỷ đồng (chiếm 14% tổng mức đầu tư); đến Quyết định số 2680 đã thay đổi chi phí GPMB xuống còn 2,5 tỷ đồng (chiếm 5,93% tổng mức đầu tư).
Điều đáng nói khi tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ thực tế cho 188 hộ dân và 2 tổ chức, số chi phí GPMB đã "nhảy vọt" lên tới hơn 30 tỷ đồng. Việc phát sinh tăng chi phí GPMB dẫn đến tăng tổng mức được duyệt, nhưng vì dự án chưa được điều chỉnh tổng mức đầu tư nên không có cơ sở pháp lý để bố trí nguồn kinh phí bổ sung.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chủ đầu tư dự án cũng là một yếu tố làm chậm tiến độ. Ngày 26/5/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND về việc thay đổi chủ đầu tư dự án từ Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Buôn Ma Thuột, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk). Quá trình bàn giao hồ sơ, kiểm tra, rà soát lại dự án mất thêm gần 2 năm, đến tháng 3/2022 mới hoàn tất.
Đến thời điểm hiện tại, khối lượng đã triển khai thi công ước đạt 89,7%, bao gồm các hạng mục nền, móng, mặt đường, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và bó vỉa hai bên. Tuy nhiên, khoảng 188,5 m còn lại từ lý trình Km1+979,91 đến hết phạm vi nút giao Y Ngông - Nguyễn Thị Định (trùng với Tỉnh lộ 1) vẫn chưa thể thi công do vướng mắc mặt bằng.
Chị M.T.K.O., một người dân có nhà trên tuyến đường bức xúc: "Cả một đoạn đường dài đã thi công hoàn thiện từ lâu nhưng chỉ còn gần 200 m đoạn cuối đường mãi không thấy đơn vị nào đến thi công. Hằng ngày phương tiện lưu thông qua lại đoạn này rất đông, mùa khô bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội. Đặc biệt đoạn này khuất tầm nhìn nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả những hộ dân có nhà hai bên tuyến đường".
Mặt đường bong tróc, lồi lõm, người tham gia giao thông phải đi trên vỉa hè. |
Điều đáng nói là phần lớn tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, tạo nên một trục giao thông khá hiện đại và thông thoáng. Chỉ có một đoạn ngắn còn lại bị ách tắc bởi vướng mắc GPMB mà "làm xấu xí cả một tuyến đường", gây cản trở nghiêm trọng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Trước thực trạng này, ngày 11/3/2024, Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột (hiện đã kết thúc hoạt động) đã có văn bản đề xuất đầu tư phạm vi nút giao Y Ngông – Tỉnh lộ 1, với tổng mức dự kiến hơn 38,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB chiếm phần lớn, với hơn 26,4 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng, còn lại là các chi phí tư vấn, dự phòng, quản lý dự án và chi phí khác. Đề xuất này cho thấy chi phí GPMB vẫn là gánh nặng lớn nhất, và con số này cũng tương đồng với chi phí GPMB thực tế đã được phê duyệt cho giai đoạn đầu của dự án (hơn 30 tỷ đồng). Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được thông qua.
Để tuyến đường quan trọng này sớm được hoàn thiện, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thống nhất chỉ giới, điều chỉnh tổng mức đầu tư một cách hợp lý và cấp bách bố trí đủ nguồn kinh phí, đặc biệt là cho công tác GPMB để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư dự án.
Hoàng Tuyết
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/nguoi-dan-mong-som-hoan-thanh-du-an-duong-y-ngong-6bd1562/
Bình luận (0)