Giữa lòng quê lúa xã Yên Thành có một ngôi nhà 3 tầng khang trang nổi bật giữa xóm Yên Phú - không chỉ bởi kiến trúc hiện đại mà còn bởi bên trong là cả một "bảo tàng sống" thu nhỏ của đời sống nông thôn xưa. Chủ nhân của nó là ông Nguyễn Duy Long, người gần 20 năm nay đã miệt mài sưu tầm và gìn giữ nhiều cổ vật, từ những chiếc chum, cái cối, cái đèn dầu... cho đến những món đồ giá trị thuộc các triều đại Trần, Lê, Nguyễn.

Không chỉ đơn thuần là một thú chơi, việc làm của ông Long đang âm thầm giữ lại hồn vía của một vùng quê Việt. Tất cả được ông trưng bày như một “bảo tàng ký ức” sống động, lưu giữ hồn xưa, trở thành điểm đến văn hóa độc đáo giữa lòng quê lúa.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Long. Ngay từ cổng vào, không gian yên bình với cây xanh và các món đồ cổ bằng đá được sắp xếp xen kẽ với các chậu bonsai cổ kính đã gợi một cảm giác đặc biệt. Bước vào trong, hàng ngàn hiện vật cổ được bài trí khoa học, cẩn thận: Những chiếc chum, hũ sành thời xưa nằm gọn trong vườn; còn trong nhà là các loại tủ chè, sập gụ, tràng kỷ từ thời Pháp thuộc. Có vật được ông để trong tủ kính bóng loáng, có vật lại nằm trên giá gỗ treo cao, khiến không gian như một bảo tàng cổ kính giữa đời thực.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khó khăn, ông Long chia sẻ rằng, từ bé ông đã làm quen với những nông cụ truyền thống của cha ông. Cái cối xay, cái trục lúa, chiếc cuốc sắt gỉ, cái đèn dầu... từng là một phần đời sống của gia đình ông. “Không hiểu sao, những vật dụng cũ kỹ ấy lại có sức hút đến kỳ lạ. Chúng gợi tôi nhớ lại ký ức thời thơ bé, cả một thời quá vãng mà thế hệ trẻ ngày nay rất khó có cơ hội chứng kiến”, ông Long trầm ngâm.

Từ năm 2005, ông bắt đầu bước chân vào con đường sưu tầm đồ cổ. Ban đầu, chỉ là theo chân những người chơi lâu năm đi các phiên chợ quê, chợ đồ cũ để "ngắm nghía" và học hỏi. Nhưng càng đi, càng say mê. Để có tiền mua những món đồ đầu tiên, ông Long đã không ngần ngại bán đi một số vật dụng trong gia đình. "Có lúc tôi bán cả bộ bàn ghế gỗ trong nhà, chỉ để đổi lấy một chiếc chum cổ được người ta rao bán ở tận Thanh Hóa. Có món tôi phải vượt hàng trăm cây số, thậm chí phải cắm cả bìa đất để có tiền mua", ông kể.

Hiện tại, bộ sưu tập của ông Long đã lên tới gần 5.000 hiện vật, trong đó nhiều món có giá trị cao. Riêng về chum cổ, ông đang sở hữu hàng trăm chiếc có niên đại trăm năm, mỗi chiếc có giá trị từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, 2 bể chứa nước sen thời đầu triều Nguyễn mà ông đang sở hữu được các nhà sưu tầm định giá lên đến 1 tỷ đồng mỗi chiếc. Ngoài ra, ông còn sở hữu hàng loạt hiện vật quý khác như đồ đá thời Trần, Lê, Nguyễn, cùng những bộ sập gụ, tủ chè, bàn ghế cổ từ thời Pháp thuộc - tất cả đều được bài trí khéo léo, kết hợp hài hòa với kiến trúc ngôi nhà và không gian vườn.

Dù giá trị của bộ sưu tập lên đến nhiều tỷ đồng, nhưng ông Long rất ít khi bán các món đồ của mình. “Tôi không buôn bán đồ cổ. Thỉnh thoảng có bạn bè thực sự đam mê, tôi mới giao lưu vài món để họ giữ gìn. Với tôi, giá trị lớn nhất của đồ cổ không nằm ở tiền bạc mà là ở ký ức và văn hóa”, ông chia sẻ.

Mỗi ngày, ông Long đều mở cửa nhà đón khách đến tham quan miễn phí. Người dân địa phương, khách du lịch, hay các em học sinh trong vùng đều có thể ghé qua trải nghiệm, nghe ông kể chuyện xưa, xem những món đồ từng gắn bó với nông thôn Việt Nam một thời. “Tôi muốn các cháu nhỏ biết được ông bà mình ngày xưa đã sống ra sao, dùng cái gì. Đó là cách để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lịch sử”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo đuổi thú chơi đồ cổ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo ông, hiện nay công nghệ làm đồ giả cổ rất tinh vi, có thể khiến cả những người chơi lâu năm cũng bị đánh lừa nếu không có kiến thức sâu và kinh nghiệm thực tế.

May mắn thay, nhờ sự kiên trì và những bài học từ các "tiền bối", ông Long dần học được cách thẩm định đồ cổ, phân biệt thật - giả qua chất liệu, hoa văn, kỹ thuật chế tác, và dấu tích thời gian. Ông cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi với những người chơi có uy tín để nâng cao kiến thức, tránh bị lừa bởi những món đồ "đánh bóng tuổi".


Ngày nay, "bảo tàng tư nhân" của ông Nguyễn Duy Long không chỉ là nơi lưu giữ các cổ vật, mà còn là một địa chỉ văn hóa, giáo dục tại địa phương. Giữa nhịp sống hiện đại, nơi đây là một cánh cửa mở ngược thời gian, để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc.
Nguồn: https://baonghean.vn/nguoi-dan-ong-o-nghe-an-va-hanh-trinh-gin-giu-gan-5-000-co-vat-gan-voi-doi-song-nong-thon-10301486.html
Bình luận (0)