Gian nan hành trình khởi nghiệp

Một ngày hè oi ả, chúng tôi tìm đến phường Hà Nam, tỉnh Ninh Bình, nơi đặt xưởng sản xuất xe ba bánh của công ty do chị Lâm Thị Nga làm giám đốc. Bên trong xưởng, tiếng máy móc rền vang. Giữa không gian ấy là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên xe lăn, ánh mắt chăm chú dõi theo từng thao tác của thợ. Nhỏ bé, lặng lẽ nhưng đầy nghị lực, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chị Nga.

Chị Lâm Thị Nga sinh năm 1982, là con thứ trong gia đình đông anh em. Năm 6 tuổi, bỗng nhiên Nga không còn cảm giác ở đôi chân. Gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả. Đến năm 15 tuổi, đôi chân của chị Nga hoàn toàn không thể đi lại được nữa. “Lúc đó tôi rất buồn, nhưng tôi cũng sớm nhận ra rằng nếu mình không tự vươn lên thì sẽ mãi là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi không có điều kiện đến trường nên tự học ở nhà để biết chữ, biết viết. Sau đó, tôi đi học nghề, nhận việc thêu gia công, hoàn thiện sản phẩm để tự nuôi sống bản thân”, chị Nga chia sẻ. Chị Nga phải di chuyển bằng xe lăn, phụ thuộc vào người thân trong mỗi lần đi lấy hàng, trả hàng. Từ sự bất tiện đó, chị mong muốn có được một phương tiện riêng, phù hợp để chủ động trong cuộc sống. Tuy nhiên, các dòng xe ba bánh có mặt trên thị trường khi ấy đều là hàng nhập khẩu với giá thành cao, vượt khả năng tài chính.

 Không được đào tạo bài bản về cơ khí hay thiết kế, song bằng sự quan sát, suy nghĩ và chính trải nghiệm của bản thân, chị Nga đã tưởng tượng ra các mẫu xe phù hợp với nhiều dạng khuyết tật và người cao tuổi. Năm 2016, cơ hội đến khi chị gặp anh Vũ Xuân Quang, một thợ cơ khí lành nghề. Từ ý tưởng của chị Nga và bàn tay của người thợ, những chiếc xe ba bánh đầu tiên ra đời với cấu tạo đơn giản nhưng phù hợp với người sử dụng. Khởi nghiệp trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, chị Nga chỉ có 10 triệu đồng tiết kiệm. Chị vay mượn thêm 10 triệu đồng rồi thuê một căn nhà nhỏ để làm xưởng. Chị mày mò tìm hiểu các mẫu xe ba bánh, các loại vật liệu có giá thành hợp lý, tiện dụng rồi thiết kế lại để phù hợp hơn với người sử dụng. Phần cơ khí, lắp ráp do anh Quang đảm nhiệm. “Những chiếc xe đầu tiên có giá thành thấp, tôi đem tặng các bạn khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để các bạn trải nghiệm thực tế. Sau đó, các bạn góp ý để chúng tôi cải tiến dần”, chị Nga nhớ lại.

      Chị Lâm Thị Nga đã thiết kế hàng chục mẫu xe ba bánh cho người khuyết tật. Ảnh do nhân vật cung cấp

Một chiếc xe khác được chị Lâm Thị Nga thiết kế dành riêng cho một người phụ nữ bị liệt cột sống. Lúc đầu, xe chưa chắc chắn và chưa bảo đảm tính thẩm mỹ. Chị Nga cùng anh Quang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Cuối cùng, chiếc xe được hoàn thiện với chi phí vật liệu khoảng 8 triệu đồng. Chị Nga chia sẻ: “Chị ấy rất xúc động khi nhận xe. Nhờ có chiếc xe, chị có thể đi làm thuê, hòa nhập lại với cuộc sống”. Anh Vũ Xuân Quang bày tỏ: “Tôi làm nghề cơ khí từ nhỏ, từng nghĩ đến việc bỏ cuộc vì lúc đầu rất khó khăn, không có đơn hàng, thu nhập không bằng đi làm thuê. Nhưng chị Nga đã động viên tôi, bảo rằng: “NKT như tôi còn cố gắng được, sao anh lành lặn lại bỏ cuộc?”. Câu nói ấy như một liều thuốc tinh thần khiến tôi thêm quyết tâm, tự nhủ không thể buông bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Không chỉ tự mình mày mò, kiên trì vượt khó, chị Lâm Thị Nga còn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do hội liên hiệp phụ nữ địa phương tổ chức để mở mang kiến thức, tìm cơ hội mở rộng sản xuất. Năm 2022, chị tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh Hà Nam (nay là Ninh Bình) tổ chức với đề tài “Sản xuất phương tiện và thiết bị cho NKT”, đoạt giải nhì toàn tỉnh. Từ đó, chị bắt đầu mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ xưởng sản xuất nhỏ chỉ làm được một chiếc xe mỗi tuần, đến nay, công suất đã nâng lên 2-3 xe/tuần. Điểm đặc biệt là xe do công ty của chị Nga sản xuất có giá 13-14 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với xe nhập khẩu nhưng chất lượng vẫn bảo đảm và nhiều trường hợp được sản xuất theo hướng cá nhân hóa. Các linh kiện được thiết kế để dễ dàng thay thế, phù hợp với điều kiện sử dụng của NKT. “Tôi luôn hỏi kỹ người đặt xe về dạng khuyết tật, nhu cầu đi lại như thế nào, sau đó thiết kế mẫu xe phù hợp, sử dụng vật liệu hợp lý để giảm giá thành”, chị Nga cho biết. Chị Nga cũng thường xuyên quan tâm, chủ động tuyển dụng một số NKT vào làm việc tại xưởng sản xuất. Điều này không những tạo thu nhập ổn định mà còn giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Thơ, một NKT đang làm việc tại đây, tâm sự: “Từ khi làm tại xưởng, tôi thấy mình tự tin hơn, giao tiếp nhiều hơn, tinh thần cũng vui vẻ hơn và có thu nhập để trang trải cuộc sống. Chị Nga sống tình cảm, như người chị trong gia đình, là tấm gương để chúng tôi noi theo”.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Không dừng lại ở việc phát triển sản xuất, chị Lâm Thị Nga còn tích cực làm từ thiện. Khi đã có nguồn thu nhập ổn định, chị đều đặn trích 2-3 triệu đồng mỗi tháng để làm công tác xã hội. Hình ảnh chị Nga đi xe ba bánh chở nhu yếu phẩm tặng người nghèo đã trở nên quen thuộc với người dân phường Hà Nam. “Chủ nhật hằng tuần, tôi đi phát cháo ở chùa hoặc phát sữa cho bệnh nhân nghèo. Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, tôi tặng quà, xe lăn cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đang đỡ đầu một cháu nhỏ ở Quảng Ngãi, con của hai người khiếm thị từng học cùng trung tâm nghề với tôi. Tôi đỡ đầu cháu từ năm 6 tuổi, chăm lo cho cháu học tập, năm nào cháu cũng được giấy khen học sinh giỏi”, chị Nga xúc động nói. Gần đây, chị Nga còn đóng góp kinh phí xây mái ấm cho cụ Lâm Thị Ty, người già neo đơn trong phường. Với chị, giúp đỡ người yếu thế không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để thấy mình sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày. “Tôi mong mình có thêm sức khỏe, nhận thêm nhiều đơn hàng để tiếp tục tuyển NKT vào làm việc. Có việc làm là họ sẽ thấy mình có giá trị, tôi cũng có thêm điều kiện để san sẻ với cộng đồng”, chị Nga chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng và tấm lòng nhân ái, năm 2025, chị Lâm Thị Nga được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Trước đó, năm 2024, chị là một trong những cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong Chương trình “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng”. Câu chuyện của chị Lâm Thị Nga là minh chứng sống động cho ý chí vươn lên, vượt qua số phận và khát vọng sống tử tế, sống vì mọi người.

 NGUYỄN VĂN CÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan. 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-dung-doi-chan-cho-nguoi-khuyet-tat-838125