Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người kết nối yêu thương

Lòng yêu thương, mong muốn chia sẻ với những cảnh đời còn gian nan của người phụ nữ sắp bước vào tuổi 80 của bà Tuyết Nga đã thu hút nhiều người cùng tham gia, chung tay với bà...

Báo Thanh niênBáo Thanh niên12/05/2025

13 năm trước, khi cháu bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (sinh 1948) vào học ở trường THCS, bà vui vẻ nhận chức trưởng ban đại diện học sinh. Nhiều người ngại cho sức khỏe của bà. Nhưng bà không lo, vẫn miệt mài với công tác được giao, đạt những thành công đầy thuyết phục.

Người kết nối yêu thương - Ảnh 1.

Bà Tuyết Nga cùng các bác sĩ tình nguyện TP.HCM

ẢNH: NVCC

Bà cùng nhà trường liên hệ đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khắp nơi vào cuộc hỗ trợ cho các em tiếp nối sự học. Đến nay có trên 40 em học sinh sinh viên nhận được tài trợ. Bà tâm tình đã từng lâm vào cảnh ngặt nghèo nên thấu hiểu ước mơ tiếp tục sự học của các em, các cháu là rất lớn (chồng mất khi bà mới 33 tuổi, gia cảnh bình thường nếu không nói vẫn còn khó khăn trong cuộc sống, 4 đứa con mà đứa nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi, các con còn lại đang tuổi ăn tuổi học, bà phải nén đau buồn để nuôi nấng các con). Bà luôn đóng góp để các em vượt qua khó khăn. 

Bà đã lập nên những "kỷ lục" đáng nể như năm 2021 trao tặng học bổng Thắp sáng ước mơ của Xổ số kiến thiết Đồng Tháp và vận động tặng thêm cho em Nguyễn Phú Thành - học sinh trường (nơi cháu bà học) hơn 130 triệu đồng, bên cạnh đó còn tìm nơi ở cho gia đình em.

Em Nguyễn Hoài Thanh sinh năm 2000, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Y Dược TP.HCM từng được hỗ trợ, cho biết luôn nhớ đến bà và các ân nhân đã giúp em vượt qua trở ngại lớn trong đời. Em Thanh dành cho bà Nga tiếng gọi thân thương: "Nội Mười của tôi!".

Hay trường hợp em Nguyễn Duy Cường sinh 1989, mẹ bệnh tim nặng, em nguy cơ bỏ học,  được bà Nga và bạn bè giúp đỡ đã tốt nghiệp THPT, tiếp tục học điều dưỡng và vào làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Khi định cư ở Mỹ anh vẫn nhớ đến bà. Anh thường xuyên gửi tiền về chia sẻ với các cuộc đời giống mình khi xưa. Anh Cường xúc động gọi bà là má Hai, anh nói "má Hai là ân nhân, là người mẹ thứ hai của tôi".

Người kết nối yêu thương - Ảnh 2.

Bà Nga dự lễ tốt nghiệp cùng một sinh viên được bảo trợ

ẢNH: NVCC

Trong 20 năm làm công tác khuyến học, bà có nhiều bạn đồng hành cảm phục, thấu hiểu, tin tưởng bà và cùng nhau tiếp sức cho các em. Đó là chị Phạm Thị Thu Vũ con gái của nhà hảo tâm Phạm Văn Bên - Cỏ May (nay đã mất). Chị Thu Vũ tặng gạo, lo bữa ăn cho học sinh nghèo, người khó khăn… đến hỗ trợ chi phí học tập và cả nơi ở tại ký túc xá Cỏ May, TP.HCM cho các sinh viên không nơi trọ học.

Bên cạnh đó cũng có sự đồng hành của giới trí thức như luật sư Xuân Hương, các y, bác sĩ ở Sa Đéc và ở TP.HCM, cơ sở dạy nghề tóc Ánh… 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhật Trường, công tác tại Bệnh viện Sa Đéc, cho biết rất cảm phục tấm lòng vì cộng đồng của bà Tuyết Nga. Trong các chuyến tham gia khám chữa bệnh cho bà con ở vùng còn khó khăn, bác sĩ Nhật Trường đều vui vẻ tham gia khi bà có lời mời.

Tuổi cao vẫn vui vẻ với công việc khuyến học

Tuổi cao, các bệnh của người già cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bà Nga vẫn vui vẻ với việc khuyến học, khuyến tài... Khi nghe nơi đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là bà có mặt ngay. Bà thường đi bộ đến tận địa phương, tận nhà, tận trường để gặp chính quyền, đoàn thể, gia đình, gặp các em trực tiếp để việc hỗ trợ đúng người, hiệu quả. Bà vui vẻ tâm tình nhờ đi bộ mà cải thiện sức khỏe thấy rõ. Học sinh, sinh viên nào cần đến hỗ trợ từ bà có thể gửi thư hay gặp trực tiếp bất cứ lúc nào.

Tháng 12.2023, bên cạnh học bổng trị giá 12 triệu đồng của Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp và Công ty Vĩnh Hoàn tặng em Phan Thanh Trúc (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, TP.Sa Đéc), bà Nga cùng các nhà tài trợ khác đã trao thêm số tiền hơn 100 triệu đồng và một máy tính xách tay cho em. Gia đình em không có ruộng đất canh tác, cha làm công nhân, mẹ làm tạp vụ, nguy cơ bỏ học nhưng ý thức vươn lên thoát nghèo. Trúc đạt học sinh giỏi và giải ba cấp quốc gia môn Sinh, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Tấm lòng yêu mến các học sinh vượt khó vươn lên của bà Tuyết Nga đã giúp bà kết nối với cả nhà hảo tâm ở nước ngoài. Trong các năm qua, hàng chục laptop trong đã được gửi tận tay các em học sinh, sinh viên qua sự giới thiệu của bà Tuyết Nga. Có nhiều trường hợp các em sinh viên được trao tặng laptop ngay nơi trọ học mà không cần về đến quê nhà (vừa mất thời gian vừa tốn chi phí).

"Hương Từ Bi" lan tỏa

Bà Tuyết Nga chia sẻ, năm 2012, bà đến Bệnh viện Đa khoa TP.Sa Đéc thăm bệnh. Khi về ngang khu vực điều trị bệnh thận, bà gặp một người phụ nữ ngồi dựa vào băng đá, dáng vẻ mệt mỏi. Hỏi thăm, bà được biết chị này vừa xong đợt chạy thận định kỳ, vì mệt, đói nên không đi nổi. Bà Tuyết Nga thấy xúc động nên mời chị dùng cơm rồi đưa chị về.

Hình ảnh người phụ nữ ấy khiến bà suy nghĩ nhiều. Bà tìm gặp các bác sĩ của bệnh viện để tìm hiểu. Bác sĩ cho biết trước khi chạy thận, người bệnh nên ăn một bữa ăn đủ chất, uống thêm sữa. Thực đơn cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định, từng trường hợp sẽ có giới hạn về muối, chất đạm, kali… Thế là bà Tuyết Nga quyết định giúp người bệnh lọc máu chạy thận có được bữa ăn dinh dưỡng trước và sau khi đến điều trị. Nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi mà nòng cốt là các Phật tử chùa Từ Quang, Sa Đéc ra đời, đóng góp hỗ trợ ngay. Đáng chú ý là năm 2015, chùa chuyển số tiền 126 triệu đồng chuẩn bị sửa chữa cơ sở vật chất của chùa đến ủng hộ lực lượng chấp pháp tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và Chi cục Kiểm Ngư Vùng 2… để thể hiện tấm lòng của bà con với nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương của các chiến sĩ.

Người kết nối yêu thương - Ảnh 3.

CLB Y bác sĩ thiện nguyện TP.HCM và TP.Sa Đéc trước giờ lên đường công tác

ẢNH: NVCC

Bà Tuyết Nga hăng hái tham gia Câu lạc bộ Y bác sĩ tình nguyện TP.Sa Đéc ngay từ đầu. Bà cùng đoàn đã tổ chức nhiều buổi khám bệnh, cấp phát thuốc, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân, phiên chợ nhân đạo cho bà con hoàn cảnh khó khăn khắp các phường xã liên tục nhiều năm.

Với số lượng trên 100 bệnh nhân thường xuyên lọc thận, bữa ăn được bà Tuyết Nga và cộng sự chăm lo chu đáo, gia đình giảm chi phí, bệnh nhân yên tâm, lãnh đạo bệnh viện ủng hộ. Cho đến nay bữa ăn vẫn được duy trì.

Em N., học sinh lớp tôi chủ nhiệm trước đây phải chăm mẹ chạy thận, có nguy cơ bỏ học. Em chia sẻ, khó làm tốt việc học và chăm mẹ khi thời gian mẹ chạy thận và giờ học trùng nhau. Tôi đã mạnh dạn trao đổi mong bà hỗ trợ cho em. Biết chuyện, bà Nga nhanh chóng gặp gỡ lãnh đạo tìm cách giúp đỡ không để N. bỏ học. Sau đó, bệnh viện sắp xếp giờ điều trị phù hợp cho mẹ N. vào buổi chiều tối. Em có thể sắp xếp thời gian đến trường và lo cho mẹ nên đã theo học đến tốt nghiệp.

Người kết nối yêu thương - Ảnh 5.

Cùng các nhà hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ TP.Sa Đéc tặng quà cho bà con khó khăn

ẢNH: NVCC

Với những đóng góp ấy, bà Tuyết Nga và các đồng sự được vinh danh trong Lễ tri ân Hoa việc thiện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp tổ chức năm 2023; năm 2024, bà được Ủy ban tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì hoạt động thiện nguyện.

Bà Tuyết Nga bộc lộ: "Mong muốn của tôi là việc chăm sóc bệnh nhân chạy thận, việc đưa học sinh đến thành công trong học tập, thoát nghèo, đóng góp cho xã hội... sẽ được lớp người sau tiếp tục và phát huy hơn nữa. Tôi tin sẽ có thêm nhiều người tham gia để việc thiện nguyện được lan tỏa khắp nơi".

Trong một lần gặp gỡ, bà nói với tôi: "Quãng thời gian còn lại, tôi dành hết cho những mảnh đời bất hạnh, góp phần xoa dịu nỗi đau của họ. Tôi tin mình sẽ làm được như thế!".

Người kết nối yêu thương - Ảnh 6.

 

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-ket-noi-yeu-thuong-18525050622263862.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm