Tháng 9-1987, tôi vinh dự được đón Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (nay gọi là Phó Thủ tướng Chính phủ) trong chuyến thăm Singapore. Trong buổi làm việc, bác Kiệt đã giao cho tôi một nhiệm vụ lớn: “Chú ở đây phải chủ động thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, đồng thời chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.
Ngày 1-11-1991, tôi lại một lần nữa vinh dự được đón bác Võ Văn Kiệt, lúc này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam, cùng với bác Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trong chuyến thăm chính thức Singapore để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Sau lễ đón chính thức, bác Trần Đức Lương là người chủ trì tất cả các cuộc gặp với Bộ Công thương Singapore cùng các doanh nghiệp hàng đầu của nước bạn, nhằm giới thiệu Luật Đầu tư của Việt Nam và kêu gọi doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam. Đây là một bước đi chiến lược nhằm thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia phát triển trong khu vực.
Đến nhiệm kỳ đại hội Đảng tiếp theo, bác Trần Đức Lương được bầu làm Chủ tịch nước. Tôi có dịp vinh dự được tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm Malaysia. Khi đó, vào năm 1999, kinh tế khu vực đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng ổn định. Việt Nam bắt đầu trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và thủy sản, với một nền kinh tế sản xuất thực - không dựa vào đầu cơ tài chính. Do đó, Việt Nam không bị tác động nghiêm trọng như nhiều nước ASEAN khác.

Năm 1999, tôi tiếp tục được tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao và mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan khi đó nói với tôi: “Thái Lan rất coi trọng chuyến thăm này. Nhà vua Thái Lan sẽ đích thân ra đón Chủ tịch nước Việt Nam”.
Lúc đó, dù Việt Nam đã gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, nhưng thương mại song phương giữa hai nước vẫn gặp nhiều trở ngại do lệnh cấm vận của Chính phủ Hoa Kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại Việt Nam đã chủ trì xúc tiến đàm phán Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Giữa năm 2000, hiệp định được ký kết và chờ hai bên phê chuẩn. Đến tháng 11-2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chính thức mời Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam - đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Đây là một dấu ấn lớn trong tiến trình bình thường hóa và mở rộng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngày 10-12-2000, Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ song phương.
2. Ngày 21-12-2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là bước chuyển mạnh mẽ từ hội nhập thụ động sang hội nhập chủ động và toàn diện.
Từ đây, Việt Nam tích cực tiến hành đàm phán thương mại song phương và đa phương với 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều đối tác lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người ủng hộ mạnh mẽ tiến trình này. Trong 9 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, ông đã có những cuộc vận động ngoại giao chiến lược, thúc đẩy đàm phán và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.
Các chuyến thăm Brazil, Mexico và nhiều quốc gia khác đều gắn liền với những bước ngoặt trong đàm phán. Đặc biệt, đối tác đàm phán phức tạp và khó khăn nhất là Hoa Kỳ - nước có yêu cầu rất cao về mở cửa thị trường và cải cách thể chế. Phải đến ngày 31-12-2006, Việt Nam mới ký được hiệp định song phương cuối cùng với Hoa Kỳ để hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO.
Về hàng hóa, hai bên thống nhất hơn 12.000 dòng thuế. Về dịch vụ, Việt Nam cam kết mở 12 ngành và hơn 110 phân ngành. Việt Nam cũng cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về sở hữu trí tuệ, đồng thời mở cửa thị trường đầu tư cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Sau 11 năm đàm phán đầy cam go, quá trình chuẩn bị gia nhập WTO chính thức hoàn tất. Chúng ta chỉ còn chờ các thủ tục phê chuẩn trong nước và quyết định kết nạp từ WTO.
Có thể khẳng định, vị thế, uy tín và diện mạo của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay là kết quả từ đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực bền bỉ của toàn dân. Trong quá trình ấy, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp có những đóng góp to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-nguoi-co-nhung-dong-gop-to-lon-trong-doi-ngoai-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te-sau-rong-post796421.html
Bình luận (0)