Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguyên nhân và cách phòng ngừa chuột rút bàn chân

Chuột rút bàn chân là tình trạng không hiếm gặp, có thể khiến nhiều người đau nhói. Không chỉ gây khó chịu, chuột rút ở chân còn có thể tái phát thường xuyên nếu không tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên08/07/2025

Bà Caitlin Lewis, bác sĩ y học thể thao tại Mỹ, cho biết chuột rút thường xảy ra nhiều hơn khi chúng ta lớn tuổi. Dù gây khó chịu, nhưng chuột rút hiếm khi nguy hiểm, theo Cleveland Clinic.

Chuột rút xảy ra khi các cơ ở bàn chân bị co thắt không kiểm soát, thường là do rối loạn tuần hoàn, mất cân bằng điện giải hoặc yếu cơ. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp mà bạn cần lưu ý.

Tập thể dục quá sức

Tập luyện quá mức hoặc quá lâu mà không khởi động, giãn cơ đầy đủ sẽ khiến cơ mỏi, dễ dẫn đến chuột rút và chấn thương. Khi tập luyện, bạn nên nghỉ ngơi hợp lý và không cố chịu đau.

Nguyên nhân và cách phòng ngừa chuột rút bàn chân - Ảnh 1.

Tập luyện quá mức mà không khởi động, giãn cơ đầy đủ sẽ khiến cơ mỏi, dễ dẫn đến chuột rút và chấn thương

Ảnh: AI

Mang giày không phù hợp có thể gây chuột rút

Việc đi giày quá chật hoặc quá nhỏ có thể làm chân bạn bị bó cứng, tê cứng và các ngón chân bị co quắp. Điều này ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và gây ra chuột rút.

Tuần hoàn máu kém

Khi lưu lượng máu đến chân bị hạn chế, chân sẽ dễ bị tê, đau nhói và chuột rút.

Tuy nhiên, một số vấn đề tuần hoàn gây ra cảm giác đau giống như chuột rút. Do đó, nếu bạn thấy đau tăng khi đi bộ hoặc bị chuột rút kéo dài, đừng chủ quan mà hãy đến gặp bác sĩ.

Cơ thể mất nước

Mất nước khiến cơ thể giảm lưu thông máu và mất cân bằng điện giải, từ đó gây ra chuột rút, táo bón và nhiều vấn đề khác.

Thiếu chất điện giải

Các chất như canxi, natri, kali và magie rất cần thiết cho việc co và giãn cơ. Khi thiếu các chất này, cơ thể dễ bị chuột rút ở chân hoặc các vị trí khác.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như thuốc hạ mỡ máu (statin) và thuốc lợi tiểu có thể gây chuột rút. Nếu bạn vừa bắt đầu dùng thuốc mới và thấy xuất hiện chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ.

Bàn chân bẹt

Người có lòng bàn chân phẳng (không có vòm) dễ bị chuột rút mạn tính. Nếu thuộc nhóm này, bạn nên giãn cơ thường xuyên, dùng lót giày hỗ trợ để tăng tuần hoàn và giảm áp lực.

Khi bị chuột rút chân, ai cũng mong muốn giảm đau nhanh và ngăn ngừa tái phát. Bạn có thể chườm ấm, massage nhẹ, uống đủ nước và đi lại nhẹ nhàng.

Ngoài ra, nên chọn giày vừa vặn, hỗ trợ vòm chân, tăng cường giãn cơ hằng ngày và ăn uống đủ chất để cung cấp canxi, kali, magie, natri.

Nếu chuột rút xảy ra thường xuyên, đau dai dẳng, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-chuot-rut-ban-chan-185250707232925952.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm