Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ ở Tây Ninh đi Mỹ kỳ vọng đàm phán thuế quan giữa Việt Nam - Mỹ đạt kết quả tích cực - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ đang chuyển hướng tìm đơn hàng từ Việt Nam để thay thế đơn hàng từ Trung Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng một kết quả đàm phán thuế quan tích cực hơn và những cải thiện về năng lực cung ứng của nhà xuất khẩu Việt Nam.
Trước đó, ngay khi lệnh áp thuế được đưa ra, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ không thể mua hàng từ Trung Quốc, nên đã phải liên hệ với các nhà cung cấp ở các nước, trong đó có Việt Nam, để tìm nguồn hàng thay thế.
Doanh nghiệp Mỹ tìm nhà cung ứng mới tại Việt Nam
Cuộc trao đổi giữa Công ty TNHH xúc tiến xuất khẩu VIETGO - đơn vị chuyên tư vấn, xúc tiến xuất khẩu - với hơn 200 nhà nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ diễn ra sôi nổi, khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vào Mỹ nhận định chính sách thuế đối ứng của Mỹ áp cho các nước, đặc biệt là Trung Quốc, có thể sẽ mở ra cơ hội cho nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Moshe Mayer, người đang sở hữu một công ty nhập khẩu với nhiều thương hiệu riêng, cho biết đang mua các sản phẩm móc treo quần áo và đồ dùng gia đình tại Trung Quốc để bán vào chuỗi siêu thị Walmart tại Mỹ.
Tuy nhiên, với mức thuế đối ứng quá cao mà Mỹ áp với Trung Quốc, ông Moshe Mayer cho biết hoạt động nhập khẩu của công ty này gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, thách thức luôn đi kèm với cơ hội, vì khi cuộc chiến thuế quan này leo thang, công ty buộc phải đa dạng hóa được nguồn cung cấp, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh có nhiều biến động.
Theo ông Moshe Mayer, đây là cơ hội lớn để đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đàm phán thuế với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Vì vậy, tôi rất mong các bạn cố gắng đạt đàm phán thuế để không bị mức thuế cao. Việc có kết quả đàm phán tốt sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thị trường vào Mỹ. Chúng tôi hiện đang rất có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, nên rất cởi mở với doanh nghiệp Việt Nam và muốn mua hàng từ các bạn" - ông Moshe Mayer chia sẻ.
Trong khi đó, ông Shaukat Sindhu, chủ một doanh nghiệp khác chuyên nhập đồ nội thất, cho biết đã dự đoán được các thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ, nên chủ động tới Việt Nam tìm nguồn cung cấp hàng mới.
Tuy nhiên, vấn đề gặp phải khi tới Việt Nam đó là các nhà cung cấp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu khi các doanh nghiệp chào hàng bằng các sản phẩm được lấy từ... trên mạng mà không phải bằng sản phẩm thật được sản xuất ở nhà máy.
Thậm chí, có trường hợp nhà cung cấp hẹn gặp khách hàng nhưng lại không tới, gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho ông để sắp xếp lịch gặp các nhà cung cấp. Dù vậy, theo ông Sindhu, nếu Việt Nam và Mỹ đàm phán hiệu quả về thuế quan sẽ là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng đối tác.
"Nhu cầu các nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nhà cung cấp thay thế Trung Quốc ngày càng nhiều, nên doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn để hợp tác", ông Sindhu nói.
Mong đàm phán thành công, doanh nghiệp Việt cải thiện năng lực
Từng 4 lần tới Việt Nam tìm đối tác cung cấp các sản phẩm như đá nóng, tấm lợp, lát sàn, thảm..., ông Jeffrey Matoff, kinh doanh lĩnh vực khách sạn, cho biết dù đã nhập khẩu nguồn hàng từ Trung Quốc 10 năm nay, nhưng vẫn luôn muốn tìm nhà cung cấp bổ sung.
Nhưng sau những lần làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam, ông Jeffrey Matoff nhận thấy khả năng cung ứng hàng hóa chưa thực sự đáp ứng được hết các nhu cầu thực tế.
Do đó, ông Jeffrey Matoff bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam cố gắng đàm phán với Mỹ để có kết quả thuế quan tốt nhất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các lợi thế đơn hàng đang chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam.
Tương tự, ông Richard Wyche, chuyên kinh doanh các mặt hàng cửa gỗ, tủ bếp, ván sàn, cũng cho biết đang tìm kiếm các nguồn hàng nhưng gặp khó khăn.
Bởi lượng đặt hàng của doanh nghiệp là rất lớn, song khả năng cung ứng từ Việt Nam vẫn bị hạn chế, chưa đáp ứng được tất cả các mặt hàng mà công ty có nhu cầu. Vì vậy, ông Richard Wyche mong muốn ngoài lợi thế thuế quan, doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng, sản xuất với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo theo đơn đặt hàng.
"Đây là điểm hạn chế của các doanh nghiệp Việt, trong khi Trung Quốc đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đơn hàng của chúng tôi và giá cũng rẻ hơn nhiều" - ông Richard Wyche chia sẻ.
Ông Muhammad Rizk - chuyên nhập nông sản từ các nước - cho rằng Mỹ là thị trường khổng lồ và rất tiềm năng cho các nhà xuất khẩu. Với niềm tin "trong nguy cơ có cơ hội", khi Mỹ áp thuế với các nước, song Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định, ông mong rằng Việt Nam có thể đàm phán với kết quả tốt về thuế quan để các nhà cung cấp Việt Nam nắm bắt cơ hội này, đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, giám đốc Công ty VIETGO, cũng cho biết các nhà xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ đạt được thành công.
Trong đó, hai nước sẽ xây dựng một chương trình thuế quan theo đúng tinh thần của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được thiết lập từ năm 2023, những tiềm năng hợp tác về thương mại mang tính bổ sung lẫn nhau trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực kết nối và mang tới những cơ hội tốt nhất cho nhà xuất khẩu Việt Nam và nhập khẩu của Mỹ, tạo nên chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả.
Sau khi lệnh áp thuế được đưa ra, với những chia sẻ của các nhà nhập khẩu, nhu cầu đặt hàng từ Việt Nam có thể tăng lên thời gian tới, đã giúp chúng tôi chủ động hơn để khai thác tốt lợi thế sẵn có. Vì vậy, vấn đề hơn hết lúc này là chúng tôi mong muốn đàm phán thuế quan sẽ thành công để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này" - ông Việt bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn tìm nhà cung ứng từ Việt Nam để tránh thuế của Mỹ đang áp mức cao với Trung Quốc - Ảnh: B.THUẬN
Ngóng kết quả đàm phán
Ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - chia sẻ việc Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc nên cũng có sự chuyển dịch đơn hàng từ nước này sang Việt Nam. Tuy vậy, hầu hết các nhà nhập khẩu vẫn đang nghe ngóng và chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan của Việt Nam với Mỹ hiện đang diễn ra.
Đến nay, các doanh nghiệp đang dồn lực để tập trung đơn hàng đã ký từ trước đó, trong khi đơn hàng mới vẫn đang dè dặt hơn. Vì vậy, các kế hoạch sản xuất kể từ sau tháng 6, tháng 7 vẫn chưa rõ ràng, khi mức áp thuế mà Mỹ đang đưa ra với Việt Nam lên tới 48%.
"Sự chuyển dịch là có nhưng mới chỉ có đơn hàng nhỏ mở đường đi. Các doanh nghiệp đang cố gắng tìm mọi thị trường để có thêm chút ít đơn hàng mới, nhưng thực sự khó tìm thị trường lắm.
Vì vậy giờ chúng tôi cố gắng duy trì đơn hàng hiện tại, đảm bảo công việc của người lao động để khi nào tình hình sáng sủa hơn thì vẫn giữ được lao động tương đối ổn định. Tiếp đó là cắt giảm chi phí chưa cần thiết để duy trì hoạt động chung" - ông Hồng chia sẻ.
Theo đó, các doanh nghiệp đều mong muốn đề xuất Nhà nước quan tâm hoãn giãn thu các loại thuế phí, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... giảm để bớt áp lực chi phí.
Cùng đó, doanh nghiệp kỳ vọng việc đàm phán thuế mang lại kết quả tích cực với mức thuế có lợi để có thể cạnh tranh với các nước chuyên xuất khẩu dệt may và giữ vững được thị trường Mỹ.
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ ủng hộ VN đạt kết quả tốt về đàm phán thuế
Ngày 7-5 (giờ Mỹ), Việt Nam và Mỹ chính thức bước vào vòng đàm phán thuế đối ứng. Trước đó, đoàn đàm phán cấp kỹ thuật của Việt Nam đã tới Mỹ và chuẩn bị cho cuộc đàm phán quan trọng.
Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho hay các tập đoàn hàng tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ hàng đầu như Walmart, Target (nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 30%), Costco, HomeDepot... trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chính sách thuế quan đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và gây áp lực tăng giá.
Tình trạng bất ổn thương mại và kinh tế khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh vì nếu kéo dài chỉ trong vài tuần các kệ hàng sẽ trống trơn.
Vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận đàm phán thuế đối ứng. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp cũng cân nhắc tham dự Sự kiện thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 9-2025 tại Việt Nam (Vietnam International Sourcing Expo 2025).
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-nhap-khau-my-tim-don-hang-tu-viet-nam-20250509004455567.htm
Bình luận (0)