Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: 20 năm ấp ủ bộ tiểu thuyết đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phó Giáo sư Nguyễn Thế Kỷ đã dành 20 năm ấp ủ và sưu tầm tài liệu để sáng tác bộ tiểu thuyết sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại vị Cha già dân tộc.

VietnamPlusVietnamPlus19/05/2025

Một sáng tháng Năm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành trọn bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm” về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.

“Ta bên Người, Người toả sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…,” ông Kỷ bảo mình là người hạnh phúc bởi lễ ra mắt bộ sách mà ông đã trăn trở và ấp ủ suốt 20 năm được tổ chức trang trọng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

20 năm trăn trở tác phẩm về Bác

Tại sự kiện ra mắt, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đi trước đã có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều loại hình văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, ông vẫn luôn trăn trở vì sao đã có rất nhiều tiểu thuyết hay về đề tài chiến tranh, được viết công phu và nghiêm túc, nhưng lại chưa có một bộ tiểu thuyết thực sự đồ sộ, toàn diện về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của Đảng, của Nhà nước ta và là người bạn lớn của nhân dân thế giới?

ttxvn-1912-nguyen-the-ky.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Bác Hồ là vị Cha già rất đỗi kính yêu của dân tộc, song Bác cũng quá vĩ đại và thật khó để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Đó là lý do chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm văn chương đồ sộ về Bác,” ông Kỷ lý giải.

Trong cuộc trò chuyện, giao lưu với các khách mời, đại biểu tới dự sự kiện ra mắt bộ tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhắc đến nhà văn Sơn Tùng với sự trân trọng đặc biệt.

Khi nhà văn Sơn Tùng còn sống, ông Kỷ thường xuyên đến thăm nhà, có nhiều dịp trò chuyện thân tình. Ông cũng từng bày tỏ sự khâm phục đối với các tác phẩm viết về Bác Hồ mà nhà văn Sơn Tùng đã để lại - đặc biệt là những trang viết xúc động về thời thơ ấu đến thời niên thiếu, thanh niên của Người.

Tuy vậy, trong một lần trò chuyện, khi được hỏi vì sao không tiếp tục viết về Bác một cách toàn diện hơn, nhà văn Sơn Tùng thành thật cho hay không còn đủ sức khỏe và điều kiện để tiếp tục hành trình thu thập tư liệu - một hành trình vốn rất gian nan.

498543791-1275057594627855-7666431275814868538-n.jpg
Bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ thêm rằng, ý định viết về những anh hùng dân tộc, đặc biệt là những người ông cảm thấy gần gũi, đã nhen nhóm trong ông từ 20 năm trước, khi ông còn là Tổng biên tập Báo Nghệ An (2000-2003).

Quá trình làm báo và công tác tại địa phương đã tạo điều kiện cho ông tiếp cận nhiều vấn đề thực tiễn, trong đó có lịch sử vùng đất Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi được phân công về làm việc tại đây, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về vùng đất vốn từ lâu được xem là "địa linh nhân kiệt."

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, để viết về Bác Hồ, ông đã có 20 năm để tìm kiếm, chuẩn bị tư liệu lịch sử. Trong quãng thời gian ấy, ông cũng viết nhiều bài báo, tham gia các hội thảo khoa học. Từ những bài viết đó, ý tưởng viết một bộ tiểu thuyết lớn về Bác Hồ dần hình thành.

“Ban đầu, tôi dự định viết khoảng 3 tập, nhưng càng viết càng thấy cần nhiều hơn để thể hiện trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đến nay, bộ tiểu thuyết đã hoàn thành đủ 5 tập,” ông Kỷ nói.

Tiếp nối ngọn lửa Người đã nhóm lên

Nói về những thuận lợi và khó khăn, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ rằng, một trong những thuận lợi lớn nhất khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu phong phú và sâu sắc. Bác Hồ là nhân vật lịch sử được nghiên cứu nhiều nhất, với hàng nghìn đầu sách trong và ngoài nước.

Đối với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, lợi thế còn đến từ chính quá trình công tác 20 năm tại Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), nơi ông tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và có điều kiện tiếp cận tư liệu từ nhiều kênh khác nhau.

498620578-2886765951493497-4281988411054269313-n.jpg
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ và bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong buổi ra mắt sách ngày 17/5. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông cũng đến ngôi nhà của Bác ở làng Sen, rồi đến các nơi Bác từng sống và làm việc ở Liên Xô, Anh, Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan... để cảm nhận sâu sắc hơn về con người và hành trình cách mạng của Bác.

Tuy nhiên, chính nguồn tư liệu khổng lồ ấy đã mang đến thách thức cho nhà văn. Việc chắt lọc, lựa chọn thông tin phù hợp là một quá trình công phu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho rằng khó khăn lớn hơn cả là cách tiếp cận và thể hiện hình tượng nhân vật. Bởi, viết về một con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi sự thấu hiểu toàn diện, vừa tôn vinh được tầm vóc lịch sử của Người, vừa khắc họa được những nét đời thường, gần gũi.

497963509-10223128625919157-2846673166460707173-n.jpg
Quang cảnh buổi ra mắt sách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông cho rằng Bác Hồ là một hình tượng vĩ đại nhưng cũng rất đỗi giản dị, gần gũi. Phải viết sao cho vừa thể hiện được tầm vóc của Bác, vừa để người đọc - nhất là thế hệ trẻ - nhìn thấy một con người với những phẩm chất cao quý mà ai cũng có thể học tập, và tuyệt đối không được “thần thánh hóa” Bác.

“Văn chương viết về lịch sử khác với sử học. Nhà văn không đi lại dấu chân của nhà sử học. Trong lịch sử, Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử. Trong văn học, Hồ Chí Minh là nhân vật văn học. Tôi tiếp cận Bác ở góc độ con người. Muốn vậy, phải đến thật gần Bác, khám phá thế giới nội tâm để thể hiện tốt nhất khía cạnh này,” nhà văn chia sẻ.

Thay vì tái hiện Bác Hồ bằng lối viết sử học hay tuyên truyền khô cứng, tác giả cố gắng khai thác những lát cắt đời thường, những cảm xúc nhân văn, rồi chuyển tải bằng các hình thức nghệ thuật. Qua đó, lịch sử vẫn được tôn trọng - các sự kiện, mốc thời gian, bối cảnh đều chính xác, đồng thời, chiều sâu nghệ thuật và cảm xúc cũng được đẩy cao. Hệ thống nhân vật phụ được hư cấu để làm sáng tỏ hơn nhân vật trung tâm.

bacho.jpg
Cảnh trong vở kịch hát "Nợ nước non" dựa trên tập 1 bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" (tác giả kịch bản: Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: Triệu Trung Kiên). (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, viết về Bác Hồ là một hành trình trở về với cội nguồn tinh thần của dân tộc - nơi ý chí tự lực, lòng nhân ái và khát vọng độc lập hòa quyện trong một con người. Nhưng viết về Bác không chỉ là kể lại những điều đã cũ, mà là đối thoại với hiện tại bằng ngọn lửa mà Người từng nhóm lên. Đó là ngọn lửa đã từng sưởi ấm cả một dân tộc trong đêm dài nô lệ. Một ngọn lửa đã từng dẫn đường cho hàng triệu người Việt Nam vượt qua khổ đau, mất mát trong máu lửa chiến tranh.

“Viết với sự tỉnh táo để hiểu Bác không phải là tượng đài, mà là con người - từng giây phút sống và lựa chọn giữa những nghịch lý, những giới hạn, và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Viết về Bác với sự thành kính, không phải để thần thánh hóa, mà để trao truyền, để thế hệ mai sau biết vì sao một con người có thể trở thành linh hồn của cả một dân tộc,” nhà văn bày tỏ./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nha-van-nguyen-the-ky-20-nam-ap-u-bo-tieu-thuyet-do-so-ve-chu-tich-ho-chi-minh-post1039407.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm