Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhấp link đặt phòng, đi tong kỳ nghỉ

Mùa du lịch cao điểm, nhiều người sập bẫy fanpage giả mạo resort, hãng bay, bị chiếm đoạt tiền cọc, mã OTP và cả tài khoản ngân hàng chỉ sau cú nhấp chuột.

Báo Khoa học và Đời sốngBáo Khoa học và Đời sống11/07/2025

Mùa hè, thời điểm các gia đình lên kế hoạch nghỉ dưỡng cũng là lúc các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nở rộ với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bằng cách giả mạo fanpage có tích xanh, sao chép nội dung từ website chính thống, nhiều đối tượng đã dựng nên “bẫy công nghệ” đánh vào tâm lý người tiêu dùng yêu thích du lịch giá rẻ. Và chỉ với một cú click vào đường link lạ hoặc chuyển khoản nhẹ dạ, không ít người đã phải trả giá bằng chính kỳ nghỉ mơ ước của cả gia đình.

bien.jpg
Mùa hè, thời điểm các gia đình lên kế hoạch nghỉ dưỡng cũng là lúc các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nở rộ. Ảnh: Mai Nguyễn.

Đặt phòng ảo, mất sạch tài khoản thật

Lợi dụng mùa du lịch đang bước vào giai đoạn cao điểm, nhu cầu người dân đi du lịch tăng cao, nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng để giăng bẫy người dùng thông qua các fanpage giả mạo các thương hiệu uy tín trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và hàng không.

Hai hình thức lừa đảo phổ biến nhất gồm: Yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc trước để giữ chỗ dịch vụ, sau đó chiếm đoạt tiền và cắt đứt liên lạc.

Gửi đường link giả mạo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP để chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Chị Nguyễn Thanh Mai (trú tại Hà Nội) cho biết, nhân dịp các con được nghỉ hè, chị lên kế hoạch đưa cả gia đình đi du lịch để thư giãn và gắn kết. Nghe theo lời giới thiệu của một người bạn, chị tìm đến một fanpage Facebook mang tên một khu resort nổi tiếng và được đánh giá có dịch vụ tốt. Tin tưởng, chị Mai không kiểm tra kỹ lưỡng mà quyết định đặt cọc trước số tiền 3 triệu đồng thông qua chuyển khoản.

Sau khi chuyển tiền, người quản trị fanpage liên hệ lại với chị Mai, yêu cầu chị ghi rõ nội dung chuyển khoản theo hướng dẫn. Đồng thời, đối tượng gửi cho chị hình ảnh giao dịch cho thấy tiền đã được chuyển hoàn lại, thực chất là ảnh giả được chỉnh sửa tinh vi bằng phần mềm.

Tiếp đó, chúng gửi kèm một đường link và đề nghị chị Mai nhấn vào để “xác nhận lại số tiền hoàn đúng”. Trong lúc còn phân vân, chị Mai nhận thấy một số dấu hiệu bất thường và kịp thời kiểm tra lại. Rất may, chị phát hiện fanpage là giả mạo, được lập ra với mục đích lừa đảo. Nhờ vậy, chị chưa nhấn vào đường link.

lua-dao.jpg
Khách hàng thận trọng, tới nơi phòng vé thì hóa ra "địa chỉ ma".

Một trường hợp khác được chia sẻ, đặt vé qua phòng vé máy bay giá rẻ. Để chiếm lòng tin của khách hàng, kẻ lừa đảo còn đưa ra cả mã số thuế công ty và cả hotline. May mắn, khách hàng thận trọng, trước khi chuyển tiền đã liên hệ, đến tận nơi để “check” thử, thì hóa ra là “địa chỉ ma”.

Không may mắn như những trường hợp trên, đã có không ít những trường hợp bị lừa mất tiền đặt cọc, bị chiếm cả tài khoản.

“Nhấn vào đường link đối tượng gửi cho, tôi đã mất sạch số tiền trong tài khoản, hơn 50 triệu đồng. Đây là số tiền tôi định cho cả nhà đi du lịch, thế là “bay” luôn chuyến du lịch hè này của cả nhà”, anh Nguyễn Văn Tân (Phú Thọ) ngậm ngùi chia sẻ,

Điều đáng nói, chiêu thức lừa đảo rất tinh vi. Chúng thường tạo lập trang Facebook với tên gọi giống hệt các resort, khách sạn hoặc hãng bay lớn, sau đó chạy quảng cáo để tiếp cận người dùng với các ưu đãi hấp dẫn như tour trọn gói, vé máy bay giá rẻ, hoặc combo du lịch - lưu trú với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Nhiều facebook còn có cả tick xanh để tạo niềm tin, sự uy tín, khiến người dân sập bẫy lừa đảo.

Tích xanh không đảm bảo thật: Người dùng cần tỉnh táo

Theo các chuyên gia, những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, trong đó có việc lợi dụng dấu tích xanh trên Facebook để tạo lòng tin với người dùng. Cụ thể, chúng thuê dịch vụ đăng ký tích xanh hoặc mua lại các tài khoản Facebook đã được xác minh từ trước, sau đó đổi tên thành các doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, khách sạn uy tín nhằm giả mạo thương hiệu.

fanpage-gia-mao-khach-san-lua-dao-2.jpg
Fanpage giả mạo lừa đảo du khách đặt phòng.

Những tài khoản này được sử dụng để chạy quảng cáo hoặc đăng tải thông tin nhận đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch với nội dung hấp dẫn, hình ảnh chuyên nghiệp. Đáng chú ý, nhiều fanpage còn sao chép toàn bộ thông tin chính thống từ các website thật nhằm tránh bị nghi ngờ. Thậm chí, giá cả được đưa ra cũng ở mức hợp lý, tương đồng với thị trường để tạo cảm giác tin cậy.

Chiêu trò tiếp theo là yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc trước 50% tổng chi phí. Sau đó, các đối tượng cung cấp mã đặt phòng hoặc mã vé máy bay giả mạo, tiếp tục yêu cầu thanh toán nốt phần còn lại. Khi người dùng chuyển tiền xong, các tài khoản này lập tức chặn liên lạc và biến mất.

Người dân cần hết sức cảnh giác, kiểm tra kỹ tính xác thực của fanpage và doanh nghiệp trước khi giao dịch, không nên chuyển tiền trước khi xác minh được nguồn gốc rõ ràng của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay, điểm chung trong các vụ lừa đảo đặt tour, vé máy bay giá rẻ là việc kẻ xấu tận dụng tâm lý ham ưu đãi của người dùng. Các đối tượng không cần sử dụng kỹ thuật tấn công phức tạp, mà chỉ cần đánh vào tâm lý: ai cũng muốn có vé rẻ, phòng khách sạn đẹp, dịch vụ tốt trong mùa cao điểm.

“Từ đó, chúng tạo ra các kịch bản hấp dẫn bằng fanpage, website giả, khiến người dùng tự nguyện rơi vào bẫy", ông Sơn phân tích.

Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo, người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin của các tài khoản mạng xã hội rao bán hoặc quảng cáo về các combo du lịch, phòng nghỉ khách sạn, khu nghỉ dưỡng… Cần kiểm tra thông tin đăng tải từ nhiều nguồn khác nhau: Facebook, Tiktok, website chính thống của doanh nghiệp, cơ sở lưu trú.

Kiểm tra tính minh bạch của các tài khoản mạng xã hội. Hầu hết các tài khoản giả mạo đều mới được thành lập hoặc mới được đổi tên và đăng bài quảng cáo trong thời gian ngắn. Người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này và không nên giao dịch với những tài khoản có dấu hiệu nêu trên.

Sau khi đã đặt cọc, cần kiểm tra lại cụ thể thông tin về mã đặt phòng của mình. Liên hệ qua số điện thoại chính thống của các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng để kiểm tra mã của mình, kiểm tra mức độ uy tín của đại lý đặt vé, đặt phòng trước khi thanh toán toàn bộ số tiền.

Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề nghị các sở du lịch địa phương tăng cường giám sát, phối hợp cùng lực lượng công an xử lý các website và fanpage giả mạo. Đồng thời, người dân được khuyến cáo nên đặt tour qua các đơn vị lữ hành có giấy phép kinh doanh rõ ràng, sử dụng nền tảng uy tín, yêu cầu hợp đồng và biên lai cụ thể, không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân lạ.

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/nhap-link-dat-phong-di-tong-ky-nghi-post1553900.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm