Qua tập thơ, tác giả đã thể hiện cái nhìn của mình qua nhiều chiều kích về thế thái, cuộc sống và thân phận, để lại cho người đọc cảm nhận: Những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Hoàng Xuân. Điều dễ thấy nhất, lòng trắc ẩn là một trong những cảm xúc chủ đạo, xuyên suốt tập thơ. Chính lòng trắc ẩn đã giúp tác giả lắng nghe, quan sát, cảm nhận và bằng mọi cách chia sẻ những đau thương, mất mát, thiệt thòi, hay những niềm vui dù là nhỏ nhoi trong cuộc sống con người. Xin được gọi cách hành xử đó là “đối thoại với lòng trắc ẩn”.
Không chỉ đồng cảm với những ai đang gặp khó khăn, hoạn nạn, thiếu thốn quanh mình, anh còn cảm nhận cả những nỗi đau mà con người bất kỳ ở đâu đó trải qua: Dòng sông ôm cha/cha ôm con/sóng quặn thắt số phận//thế giới giàu nghèo đói rét/lũ lụt hạn hán/chiến tranh hận thù/vòng tang chung trời xứ lạ (Ám ảnh). Lẽ dĩ nhiên, bằng những suy tư về con người, tình yêu, cuộc sống và xã hội, tác giả có thể tìm thấy vẻ đẹp lung linh trong từng khoảnh khắc của đời sống: Đôi mắt em/hạt sương mùa gió/anh ngọn cỏ/đẫm cơn mê (Bài ca). Hay trong niềm say mê “anh và em vòng xoay của cát”, tác giả phóng chiếu “cát” qua một lăng kính trong trẻo, đáng yêu: Cát thì thào trái tim ngân khẽ/em và cát mềm lụa/ngọt ngào hơn nhịp tim anh/cát mỏng manh…em nhỏ bé/xốn xang cười xuyên rặng gió//cát và em/trái tim hình thù của nắng/vẽ bầu trời chiếc cọ thời gian (Cát).
Trang bìa tập thơ “Nhặt đêm” của tác giả Hoàng Xuân (Nguyễn Xuân Hoàng) |
Tuy nhiên, cũng từ tâm hồn nhạy cảm ấy, khi đối diện với những đau thương, mất mát chưa từng gặp, khi cả đất nước, cả hành tinh đều gồng mình trước thảm hoạ Covid, lòng trắc ẩn lại réo gọi anh: “Tôi bần thần/những cái chết không định mệnh/bàn cờ chiến trận/loang lổ vệt chiều” (Bài ca chưa kịp hát). Không chỉ đau đáu trước bất hạnh của con người, khiến lòng trắc ẩn từ tâm hồn anh luôn quẫy đạp. Khi đứng trước dấu tích một thi nhân tài danh, trong anh cồn cào cảm giác cô đơn, bất hạnh: “Con đường tôi qua dấu chân ký ức/mùa hè lay bay/Dốc Đá thì thào gió lạ/Thi Nhân hun hút cuộc tình/câu thơ hẹn hò chưa viết/trăng nào dám bán mua/bậc đá dùng dằng vừa đi vừa rơi/chạm vùng cô đơn” (Bức tượng). Dấu chân ký ức đau buồn ngày nào như còn đâu đó, trên con đường lên đồi Thi Nhân. Tác giả vừa bước đi vừa tâm sự với từng bậc đá, lòng man mác chạm vào cô đơn như thấy mình vừa đi vừa rơi. Rõ ràng, anh đang đối thoại với những cung bậc của lòng trắc ẩn, vừa buồn vừa đẹp, đến nao lòng.
Đối thoại với lòng trắc ẩn bởi thế thái nhân tình, bởi những cảnh đời bất hạnh, cô đơn… Hoàng Xuân từng đặt chân đến nhiều vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích chiến tranh, ở những nơi ấy anh bùi ngùi đối thoại với lòng khâm phục, tri ân những linh hồn hóa thạch: “Đá thấm mồ hôi chảy từng vạt cỏ/vỡ như giọt sương/những cái tên nhìn thẳng lên trời/khói nhang vòng qua từng hàng cổ thụ” (Đôi mắt Trạ Ang). Một điểm đặc biệt trong “Nhặt đêm”, tác giả tĩnh tâm nhìn về ký ức, đối thoại với lòng trắc ẩn về người mẹ yêu quý của mình. Anh khéo sử dụng những thi ảnh mộc mạc, để gửi gắm cảm xúc hết sức sâu sắc về thân phận và sự hy sinh của người mẹ, suốt đời tần tảo vì con: “Người đàn bà nhặt đêm/vá giấc mơ con lành lặn//người đàn bà xâu ngày/ép vào trang sách những nụ cười hiền//người đàn bà vạch sườn đồi/khâu từng nếp nhăn//người đàn bà ươm màu đất/hong khô sợi nắng//bóng mây đùa giỡn người đàn bà/đùa giỡn sự cô đơn trong ba vạn sáu ngàn ngày//tôi yêu người đàn bà/như yêu kinh thánh” (Ký ức).
Viết cho con trong ngày sinh nhật, thường là dịp cho tác giả thả lỏng cảm xúc, cho ngọn bút tung tẩy. Với Hoàng Xuân, ngược về thời gian, tìm lại từng ký tự của chuỗi ngày lấm lem cát bụi, anh hạnh phúc gieo vào con những hạt nắng sân trường. Hãy nghe anh tâm sự cùng con trai: Thời gian vạch tìm ký tự/nhiễu nhương hơi thở gió ngàn/đong đầy lấm lem cát bụi/bàn tay cha năm đốt thiếu thừa//nhịp rơi nghiêng chiều vách đá/cõng trên lưng chín tháng mười ngày/bao dung như lửa/con đường vành đai cha//vầng dương di cư qua lưng mẹ/thời gian búi tóc ngắn dài/đi và chậm dần/bình minh lên//phía xa vẫn loài chim gõ kiến/cha vừa sám hối hôm qua/và một ngày sân trường có nắng/nhặt khoan sắc đỏ tim hồng (Ngày của con).
Trong vô số niềm suy tư ấy, Hoàng Xuân còn trở trăn trước khát vọng của nhiều đồng nghiệp, họ chấp nhận làm “kiếp tằm” mà không chút mong cầu, mặc cả, chỉ vì yêu những ánh mắt khát chữ, yêu cuộc đời khiến họ đam mê: Kiếp tằm hình hài chiếc lá/mỏng manh chơi vơi/gánh chữ vọng phu/chẳng mặc cả cuộc đời/chẳng đan màu thánh thiện (Gánh chữ). Ở một cung bậc khác, anh xót xa nghe tiếng thở dài, tiếng rên não nề ngoài vũ trụ, cầu vồng nhạt nhòa, bao hy vọng chỉ còn trong khói sương mờ ảo: Nghiện/tôi chọn tôi với bóng/đêm nguyệt thực/ngày mặt trời lên thiên đỉnh/chạm đường cong/chấp chới cầu vồng/tiếng rên ngoài vũ trụ/nghiến nát những vì sao//nghiện/chiêm bao/người đời (Nghiện).
Tập thơ còn diễn tả chiều sâu triết lý, khơi gợi những suy ngẫm về thân phận con người, về ý nghĩa của thời gian, về những gì ta đã mất và những gì ta tìm thấy trong cuộc sống, được thể hiện ở các bài thơ: Bản sao, Bất thường, Hoa lúa, Cuộc đua, Chiều, Gương mặt đá, Đêm, Hội chứng, Ngẫm, Ý nghĩ… Đọc tập thơ, dường như anh cố “nhặt” những vụn vỡ của thời gian và không gian, những khoảnh khắc đớn đau, âm thầm, mong manh… để nói thay chủ thể trữ tình, khiến người đọc phải lắng lòng, suy ngẫm. Dù là tập thơ đầu tay, Hoàng Xuân đã cố gắng thể hiện bản ngã, qua các tứ thơ, cấu trúc và giọng điệu. Ngôn ngữ trong thơ anh khá gần gũi, sử dụng nhiều hình tượng, nhằm thể hiện cảm xúc về sự cô đơn, mất mát, từ đó nhen lên niềm hy vọng trước cuộc đời...
Nguyễn Tiến Nên
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/nhat-dem-su-doi-thoai-voi-long-trac-an-2225653/
Bình luận (0)