Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập trung triển khai Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với nhiều hoạt động cụ thể, đồng bộ. Tuy nhiên, kết quả đưa lao động xuất khẩu vẫn chưa như kỳ vọng, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng17/07/2025

Lễ trao bằng tốt nghiệp và giới thiệu việc làm cho các học viên ở tỉnh Tây Ninh
Lễ trao bằng tốt nghiệp và giới thiệu việc làm cho các học viên ở tỉnh Tây Ninh

Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn và tạo nguồn

Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Tây Ninh, cho biết, tỉnh Long An cũ có dân số hơn 1,8 triệu người, lực lượng lao động trên 1 triệu, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,56%, trong đó 35% có bằng cấp, chứng chỉ. Sau sắp xếp, tỉnh Tây Ninh mới có dân số hơn 3 triệu người, lực lượng lao động sẽ cao hơn. Đây là nguồn nhân lực dồi dào, là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH (nay là Sở Nội vụ) đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 411/KH-UBND, ngày 12-2-2025 về triển khai Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2025. Nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đã được ban hành và triển khai trên toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB-XH (nay là Bộ Nội vụ) xúc tiến ký kết các bản ghi nhớ với Hàn Quốc về phái cử lao động thời vụ.

Công tác thông tin, tuyên truyền được các ngành, địa phương và cơ quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 60 tin, bài và 18 phóng sự phát trên báo và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Tây Ninh; 260 lượt tin, bài tuyên truyền phát tại hệ thống truyền thanh huyện, xã. Ngoài ra, tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách vay vốn ưu đãi cho người lao động. Công tác tư vấn, tạo nguồn được triển khai rộng khắp. Sở Nội vụ tổ chức 16 cụm tư vấn tại các địa phương, thu hút 933 người tham dự. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp tổ chức 76 cuộc tư vấn với 5.588 người tham gia, trong đó có 1.342 bộ đội xuất ngũ và hơn 2.000 học sinh THCS, THPT được tiếp cận thông tin ngay tại trường. Trường Cao đẳng Long An cũng tích cực phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn tại các trường THPT với quy mô hơn 30.000 học sinh, tạo tiền đề xây dựng nguồn lao động trẻ có định hướng tham gia chương trình xuất khẩu lao động.

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, vay vốn ưu đãi

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác đào tạo ngoại ngữ, định hướng nghề nghiệp cho người lao động cũng được đẩy mạnh. Các chương trình tư vấn, hướng nghiệp đã được tổ chức cho hơn 1.100 bộ đội và 200 công an chuẩn bị xuất ngũ. Trường Cao đẳng Long An hợp tác cùng doanh nghiệp tổ chức lớp dạy tiếng Nhật cho 94 lao động; hiện đang đào tạo 13 thực tập sinh, trong đó 8 người đã xuất cảnh sang Nhật Bản.

Về chính sách tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 4,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 51 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp người lao động giảm áp lực tài chính khi tham gia chương trình. Ông Nguyễn Đại Tánh cho biết, tính đến hết tháng 6-2025, toàn tỉnh đã đưa được 279 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu sang thị trường Nhật Bản (206 người), Đài Loan (30 người) và các nước khác (43 người). Tuy nhiên, con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (432 người). Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa sâu rộng, tâm lý người lao động và gia đình còn e ngại đi làm xa, ngại học ngoại ngữ; chương trình đưa lao động đi làm việc nước ngoài chưa thật sự đa dạng, nhất là chưa kết nối được chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi - nhất là nhóm hỗ trợ đặc thù - còn thấp, do quy trình giải ngân chỉ một lần trước khi xuất cảnh, chưa hỗ trợ tốt các chi phí học ngoại ngữ, khám sức khỏe.

Để khắc phục tồn tại, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, hội đoàn thể, địa phương. Tỉnh cũng sẽ tổ chức đoàn công tác xúc tiến lao động tại Nhật Bản, tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động sang Australia, Đức, đồng thời kết nối với địa phương của Hàn Quốc để triển khai chương trình lao động thời vụ. Ngoài ra, tỉnh sẽ cải tiến quy trình hỗ trợ vốn vay, kết nối kịp thời giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các doanh nghiệp phái cử, điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ đến tận các đơn vị hành chính cấp xã, phường, tăng cường phối hợp với các đơn vị đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nhằm kịp thời kết nối cung - cầu lao động.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post804085.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm