Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khám phá vẻ đẹp di sản tháp Chăm ở Khánh Hòa

Trải qua thời gian, Tháp Pô Klong Garai vẫn giữ được đường nét tinh tế, sắc sảo, với màu gạch nung đỏ sẫm và kết dính với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt, đến nay vẫn chưa được giải mã.

VietnamPlusVietnamPlus15/07/2025

Nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa là vùng đất có hệ thống các đền, tháp Chăm được xây dựng từ ngàn năm trước đến nay còn tồn tại tương đối nguyên vẹn.

Nơi đây không chỉ là những điểm đến thực hành tín ngưỡng, tâm linh quan trọng của đồng bào Chăm mà còn thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi về khám phá và thưởng ngoạn.

Tọa lạc trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Tháp Pô Klong Garai là một quần thể ba tháp gồm: tháp Chính, tháp Lửa, tháp Cổng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để thờ vua Pô Klong Garai (1151-1205), vị vua có nhiều công trạng trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi ở địa phương.

Trải qua thời gian, Tháp Pô Klong Garai vẫn giữ được đường nét tinh tế, sắc sảo, với màu gạch nung đỏ sẫm và kết dính với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt, đến nay vẫn chưa được giải mã.

Tại tháp Pô Klong Garai diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn, đặc biệt là lễ hội Ka tê diễn ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch hằng năm.

Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, Tháp Pô Klong Garai đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt vào năm 2016, và Tượng thờ vua Pô Klong Garai được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2024.

Theo các nhà khoa học, đây là quần thể tháp còn tồn tại tương đối nguyên vẹn và được đánh giá là đẹp nhất trong số các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay.

Nằm trên ngọn đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái hiền hòa, Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua khi du lịch Nha Trang.

Quần thể tháp được xây dựng từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13 để thờ Nữ thần Pô Nagar - vị nữ thần được xem là Mẹ Xứ Sở của người Chăm, có công khai phá đất đai, dạy dân làm ăn.

Tháp Bà Pô Nagar có kiến trúc nghệ thuật độc đáo gồm ba tầng chính, nổi bật nhất là khu đền tháp ở tầng trên cùng với bốn ngọn tháp gạch đồ sộ. Ngọn tháp chính cao khoảng 23m, sừng sững vươn mình, bên trong đặt tượng Nữ thần Pô Nagar.

Qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, Tháp Bà hàm chứa những giá trị tiêu biểu của cả hai dân tộc Chăm và Việt thông qua hình tượng nữ thần Pô Nagar. Nơi đây đã trở thành điểm hội tụ tâm linh, nơi cộng đồng người Việt và người Chăm cùng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-ve-dep-di-san-thap-cham-o-khanh-hoa-post1049670.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
Niềm hạnh phúc của cô trò trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu.
Niềm hạnh phúc của cô trò trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu.