Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo. (Ảnh: Minh Hoàn)
Các luật này gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: “Đây là những đạo luật có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu chiến lược của Đảng đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Bộ KH&CN)
Đại diện các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thông tin tóm tắt một số nội dung quan trọng trong Luật mới.
Theo đó, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ cho biết, lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được đưa vào luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Luật đã bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trung gian như doanh nghiệp môi giới công nghệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ông Hùng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo cũng chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KHCN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KHCN và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%. Điều này phản ánh rõ vai trò lan tỏa, thực tiễn và toàn dân của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại.
Còn ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, cho biết, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là bước đột phá trong quản lý chất lượng theo hướng hiện đại, minh bạch và số hóa, mang đến sự đổi mới toàn diện trong phương thức quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia phát biểu tại họp báo (Ảnh: Bộ KH&CN)
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro; từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.
Lần đầu tiên luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm, xử lý rủi ro chất lượng. Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Bộ KH&CN)
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật Công nghiệp Công nghệ số là quy định về chế độ đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao hay các nhân tài công nghệ số. Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, luật quy định nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ sẽ được hưởng hàng loạt chính sách đãi ngộ về cư trú, mức lương cạnh tranh quốc tế, được hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển, được bổ nhiệm các vị trí quản lý mà không cần theo quy hoạch, năm công tác.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Lần đầu tiên chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Luật cũng quy định nguyên tắc “một sản phẩm - một quy chuẩn” trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường.
Ngoài ra, Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy.
Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nhieu-dot-pha-trong-5-luat-moi-ve-khoa-hoc-cong-nghe-ar948261.html
Bình luận (0)