Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Ninh Thuận, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích kinh tế mang lại, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề phát thải khí nhà kính.

Báo Ninh ThuậnBáo Ninh Thuận08/05/2025

Toàn tỉnh hiện có đất sản xuất nông nghiệp 84.800ha, đất lâm nghiệp có rừng 198.955ha, đất nuôi trồng thủy sản 2.030ha. Với khí hậu nhiệt đới khô hạn đặc trưng đã tạo điều kiện thích hợp cho phát triển một số sản phẩm nông nghiệp như: Nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, dưa lưới, bưởi; bò, dê, cừu, tôm giống... Vài năm trở lại đây, do tình hình biến đổi khí hậu gay gắt nên sản xuất nông nghiệp chịu sự tác động không nhỏ. Nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng của người tiêu dùng, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ từ trung ương, của tỉnh, ngành nông nghiệp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; trọng tâm là tập trung đầu tư, cơ cấu lại hoạt động sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu gắn ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng; ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ.

Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ nhà màng tại xã Phước Tiến (Bác Ái).

Từ định hướng của ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sử dụng đất. Tính đến nay đã có trên 2.920ha đất lúa kém hiệu quả, đất gò đồi, vườn tạp được chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn; trong đó, có gần 1.800ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tuần hoàn, hữu cơ đã manh lại nhiều kết quả. Thông qua nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, các chất thải, phế phẩm được chế biến tái sử dụng cung cấp nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, giảm đáng kể chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, cụ thể như: Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop đã đạt chứng nhận USDA, với diện tích 4.002ha; Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu được chứng nhận hữu cơ USDA và JAS trên cây dưa lưới, nhãn, chà là, xoài Úc, với diện tích 17,5ha; Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến đã đạt chứng nhận hữu cơ USDA và EU trên cây măng tây với 15ha; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Đỉnh Lợi và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ USDA trên cây nha đam, với diện tích 12ha; Trang trại Nắng Gió được chứng nhận hữu cơ USDA trên dưa lưới, ổi, chà là 8ha. Ngoài ra, một số hộ còn kết hợp giữa việc trồng trọt và chăn nuôi, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất.

Trong chăn nuôi, với 105 trang trại nuôi heo, dê, bò và gia cầm, hầu hết đều tổ chức nuôi theo hướng an toàn, gắn với phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; sử dụng công nghệ tiên tiến Biogas, Biomas và đệm lót sinh học, nguồn thức ăn được sơ chế, bảo quản với công nghệ hiện đại, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với nuôi trồng thủy sản, hoạt động quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thường xuyên; nhiều công ty sản xuất giống thủy sản cũng có sự cải tiến đáng kể về mặt kỹ thuật, áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về quy định an toàn sinh học, ứng dụng các chế phẩm vi sinh để quản lý chất lượng nguồn nước, mầm bệnh, tạo ra chất lượng con giống chất lượng cung cấp cho hộ nuôi.

Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, thời gian tới, ngành tập trung triển khai quyết liệt giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng ít nước và thực hiện liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định nông sản. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách hỗ trợ để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong nhân dân; cùng với các cấp, các ngành chủ động ứng phó với phát thải khí nhà kính, nhất là các mô hình hay, cách làm hiệu quả, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152963p1c30/nhieu-giai-phap-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-trong-nong-nghiep.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm