Anh Trần Văn Hiệp ở Khóm 2, phường Sóc Trăng chuyển từ cây lúa sang trồng sen lấy củ cho hiệu quả kinh tế cao.
Ở Khóm 2, phường Sóc Trăng, hộ anh Trần Văn Hiệp là một trong những hộ tiêu biểu chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Để khai thác lợi thế ruộng trũng, anh Hiệp tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng sen lấy củ và quyết định chuyển sang trồng sen diện tích trên 20ha. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, ruộng sen cho thu hoạch củ, giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi hơn 10 triệu đồng/công, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ngoài ra, anh còn có thêm thu nhập từ sen giống và gương sen.
Anh Trần Văn Hiệp chia sẻ: “Kỹ thuật trồng sen lấy củ không khó, nhưng cần chú trọng đến giống sen; chú ý khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ các loại sâu, bệnh ở từng giai đoạn khác nhau để cho cây sinh trưởng và phát triển, bảo đảm chất lượng củ sen”.
Còn chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung ở Khóm 4 lại gặt hái thành công khi quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới có diện tích gần 2.000m2 để trồng rau màu sạch theo mô hình thủy canh, tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, chị trồng thủy canh nhiều loại rau như xà lách, cải bó xôi, cải xoăn, rau muống, rau gia vị… theo hướng hữu cơ an toàn. Mỗi ngày chị Nhung cung cấp ra thị trường khoảng 100kg rau các loại, thu nhập trên 2 triệu đồng.
Chị Cẩm Nhung chia sẻ: “Rau được trồng trong môi trường thủy canh cách ly nên ít khi nhiễm sâu bệnh, mặt khác việc cấp nước liên tục giúp cây rau luôn tươi tốt và bảo quản được lâu hơn; năng suất cao hơn so với trồng thổ canh truyền. Rau thủy canh không tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Mô hình trồng ngò gai trên diện tích 2.000m2 của hộ anh Huỳnh Văn Luân, ngụ Khóm 6, cũng mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Nhờ chịu khó, siêng năng chăm sóc nên ngò gai của anh trồng phát triển tốt, cho thu nhập ổn định hơn gấp nhiều lần trồng lúa.
Anh Luân cho biết rau ngò gai dễ trồng, ít sâu bệnh, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều đợt, với thời gian trồng khoảng 3 tháng là có thể cho thu hoạch. Khi thu hoạch ngò gai được thương lái tới tận nơi để thu mua với giá trung bình 15.000-20.000 đồng/kg, mang đến cho anh nguồn thu mỗi ngày trên 1,5 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị phường Sóc Trăng, cho biết: “Phường Sóc Trăng khuyến khích nông dân phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Thời gian tới Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND phường hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn nhân rộng, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.
Bài, ảnh: HUỲNH NHƯ
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhieu-mo-hinh-nong-nghiep-chuyen-doi-tu-cay-lua-cho-thu-nhap-tot-a188562.html
Bình luận (0)