Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhìn biển qua khe tường khách sạn

Chạy về biển Cửa Tùng trên Tỉnh lộ 74, đoạn vòng cua mềm mại nơi ngày xưa có 3 cây dừa nghiêng choài ra biển, giờ đây ngày càng bị che dần bởi nhà cửa, hàng quán, khách sạn đã và đang mọc lên từ lúc nào.

Báo An GiangBáo An Giang21/05/2025

Không rõ tính pháp lý của những công trình này có bảo đảm hay không-mà chắc là có thôi, vì thời buổi này, xây khách sạn to đùng như thế không thể làm "chui" được!

Khách sạn, nhà hàng cao tầng thì đương nhiên chắn tầm mắt, chắn gió. Khách chỉ còn cách nhìn biển qua... khe tường khách sạn!

Nhẽ ra, tôi cần tìm đến hỏi nhà chức trách việc quy hoạch, cấp phép, quản lý và hơn cả là tầm nhìn từ một bãi biển từng được ví là “nữ hoàng các bãi tắm”. Thay vào đó, tôi tìm đọc lại Nguyễn Tuân, bút ký “Giữa chiến tranh và hòa bình là một bãi biển Cửa Tùng” có đoạn: "Thiên nhiên tháng bảy trên biển Cửa Tùng càng về chiều càng như một bà thợ nhuộm quảng cáo dần cho cái tủ thuốc màu bách biến vạn hóa của mình. Tất cả những cánh buồm nước ngọt, buồm nước mặn trên bể chuyển dần thành sắc mai cua hay vỏ tôm nguội lửa. Ngoài khơi xa, nằm trên ngấn Thái Bình Dương, đảo Cồn Cỏ bập bềnh đỏ như một hòn than hoa chưa vạc hết ruột đá. Trên chỏm những đụn cát hồng, đống sa sâm của những em bé đang đào cho đông y rực lên cái đằm thắm của ráng chiều".

Nhìn biển qua khe tường khách sạn

 Biển Cửa Tùng. Ảnh: TTXVN

Nhà hàng, khách sạn đã mọc lên trong suốt mấy chục năm nay, ngay sát mép sóng, bờ biển xanh mà nhà văn Thụy Chương đã miêu tả "như chiếc lược đồi mồi cài vào mái tóc bạch kim của sóng biển". Nó tồn tại có nghĩa là nó hợp lý! Nhưng mà... không bao giờ có cái gì hợp lý mãi mãi, đúng không?

Tôi bỏ xe xuống bãi đá Mụ Tạo. Bờ kè bê tông cao hơn đầu người. Mỗi bước chân là một lần phải ngẩng lên nhìn biển như thể đi xin... một ít tầm nhìn. Lác đác vài tốp du khách đang chụp hình giữa nắng chang chang, lùi lũi giữa những khối bê tông và đá hộc. Cửa Tùng từng dịu dàng thế, sao giờ nhìn vừa chật vừa gắt?

Người dân bảo: “Dạo ni biển xấu rồi, ngày trước đẹp lắm!”. Câu nói tưởng như bình thường mà khiến tôi lặng người. Không phải biển xấu đi, mà là những gì bao quanh nó đang làm nó trở nên không còn đáng nhớ nữa. 

Tôi nhớ tới hai cái tên Crouch và Ritchie-hai học giả hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, nổi tiếng với việc phát triển mô hình cạnh tranh điểm đến du lịch-một khung lý thuyết toàn diện được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và hoạch định chính sách du lịch trên toàn thế giới. Theo Crouch và Ritchie, sức cạnh tranh của một điểm đến không chỉ nằm ở hạ tầng hay dịch vụ mà bắt đầu từ những yếu tố tài nguyên cốt lõi-tức những gì tự nhiên, độc đáo, không thể thay thế-chính là nền móng cho mọi trải nghiệm du lịch. Mất cái đó thì lấy gì mà cạnh tranh?

Nghe thì tưởng học thuật, nhưng đặt vào đây thấy rõ ràng tài nguyên cốt lõi của Cửa Tùng chính là bãi biển dài, cát mịn, tầm nhìn không bị che chắn, tiếng sóng không bị át bởi ô nhiễm tiếng ồn nhân tạo. Người ta có thể gọi tên 10 khách sạn lớn ven biển, nhưng không thể gọi lại ký ức về một buổi chiều ngồi bên rặng phi lao nghe gió thổi qua tóc. Mà du lịch thì sống bằng ký ức, bằng xúc cảm, chứ đâu phải bằng số phòng hay diện tích sàn?

Tôi nghĩ, nếu cứ để phát triển khách sạn ồ ạt thế này thì chỉ vài năm nữa thôi, thương hiệu Cửa Tùng sẽ như bóng nắng cuối chiều, dần nhạt trên bản đồ du lịch. Và khi ấy, người ta lại tiếc sao ngày xưa không giữ lấy một bãi biển nguyên vẹn. Tiếc sao đã để biển-thứ đẹp nhất, quý nhất-bị nhìn qua khe tường khách sạn...

Nhiều nơi như Cửa Lò (Nghệ An), Mỹ Khê (Đà Nẵng) từng như Cửa Tùng, đã triệt để di dời, giải tỏa bờ biển. Tất thảy hàng quán, công trình đều dời qua phía Tây đường ven biển, cái nào không dời được thì gỡ bỏ, để nhìn thấy biển toàn cảnh 180 độ panorama, thật sướng mắt. Có nghĩa là công trình nhân tạo phải lùi lại một chút, đừng có đua nhau dấn lên như thế, hãy khiêm nhường trước biển...

Cửa Tùng thì vẫn đang cho xây nhà cửa, dựng lên bê tông. Khách dần dần chỉ còn nhìn thấy biển qua những khe tường, và tiếng gió nồm rít qua những khe tường ấy-bạn hình dung được chứ-nghe như tiếng hú thời hoang sơ!

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nhin-bien-qua-khe-tuong-khach-san-a421177.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm