Nằm bên những cánh đồng muối trải dài, người dân nơi đây đã bao đời gắn bó với “cơm trắng muối mặn”, coi đó là kế sinh nhai chủ lực.
Ông Lê Văn Thuần, xã Hoa Lộc, một diêm dân có hơn 40 năm trong nghề của HTX Tam Hòa chia sẻ: “Nghề muối cực lắm, phải dậy từ sáng sớm, nắng to mới có muối. Còn trời mưa thì coi như trắng tay, công cào đất, công phơi nước biển mấy hôm cũng đổ sông đổ bể".
Làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Những ngày nắng to, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới hơn 40 độ C, người dân phải đội nón lá, mặc áo dài tay, bịt kín người để chống lại cái nắng như thiêu. Nhưng càng nắng, muối kết tinh càng nhanh, sản lượng mới đảm bảo.
Muối ở đây được làm theo phương pháp truyền thống. Việc đầu tiên là làm đất nền, sau đó xúc đất vào dạt, tưới nước mặn từ bể vào sân phơi. Rồi phải ngâm cát vào nước biển, phơi cát và đem lọc qua nhiều lần.
Sau khi phơi đất khô, tiếp theo là xúc đất vào lọc lấy nước mặn rồi tưới nước mặn từ bể vào sân phơi. Cuối cùng, phơi khoảng một ngày muối bắt đầu lên hạt thì là lúc thu hoạch được.
Không có máy móc hỗ trợ, tất cả các khâu từ bơm nước, chăm ruộng muối, thu hoạch, vận chuyển đều làm bằng tay.
Ông Lê Văn Lộc, xã Hoa Lộc cho biết: "Thời gian làm muối thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 (âm lịch). Mỗi ngày cứ hai người làm thì được 1 tạ muối. Có hôm nắng to quá, chân bị bỏng rộp vì dẫm phải nền muối nóng. Nhưng vẫn phải làm, vì không làm hôm nay thì ngày mai chẳng có cái ăn".
Theo kinh nghiệm, nắng càng nóng thì chất lượng muối càng tốt. Vì vậy, những ngày này, bà con diêm dân ra đồng làm việc rất đông.
Mỗi ngày, vào khoảng thời gian từ 15-17h, khi nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông. Lúc này, người dân thu hoạch muối rồi chở về nhà kho chứa muối, chờ ngày bán.
Mỗi hạt muối ra đời là một phần công sức không nhỏ, là “đổi nắng lấy cơm”, là những giọt mồ hôi kết tinh thành tinh túy biển cả.
Dù vất vả là vậy, nhưng thu nhập từ nghề muối không ổn định. Giá muối phụ thuộc vào thị trường, lúc cao thì 2.000 đồng/kg, lúc thấp chỉ còn 800–1.200 đồng/kg.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu khiến thời tiết bất thường, mưa nắng thất thường khiến nghề muối càng bấp bênh.
Người dân ở đây cho biết, thu nhập từ nghề muối không đủ để sinh hoạt gia đình, cho nên nhiều người trẻ bỏ nghề lên thành phố làm thuê, để lại những cánh đồng muối chỉ còn người già bám trụ.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng nghề muối ở Hoa Lộc vẫn sống. Những người già vẫn bám trụ, những mái đầu bạc vẫn sớm hôm ra ruộng như một lẽ sống. Họ làm không chỉ để kiếm miếng ăn, mà còn để giữ lại hồn cốt của làng quê ven biển, giữ lại một nét văn hóa truyền thống quý báu.
Hoàng Đông - Phương Đỗ
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhoc-nhan-diem-dan-255343.htm
Bình luận (0)