Một bức ký họa chiến trường của họa sĩ Vũ Tư Khang.
Nhật ký chiến tranh - Bản độc thoại giản dị và đẹp đẽ
Nhập ngũ năm 1966 khi mới 18 tuổi, Trình Văn Vũ (tên thường gọi là Trình Vũ) quê ở xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn, trở thành một dũng sĩ quân báo tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ; sau đó được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu đội trinh sát trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Anh đã hy sinh năm 1971 khi mới 23 tuổi.
Di ảnh liệt sĩ Trình Văn Vũ.
Suốt 5 năm trong quân ngũ, Trình Văn Vũ đã viết 5 cuốn nhật ký, sau đó bị thất lạc 3 cuốn, chỉ còn 2 cuốn do người em trai Trình Văn Khương (hiện sinh sống tại TP Hạ Long) giữ. Ngoài ra, còn một trong 2 tập bản thảo viết tay cuốn tiểu thuyết "Một tâm hồn" do anh sáng tác. Những trang nhật ký giàu cảm xúc ấy đã được in thành tập sách "Nhật ký chiến tranh", xuất bản lần đầu năm 2006 và được tái bản nhiều lần sau đó.
Nhà văn Ma Văn Kháng đã gọi cuốn nhật ký này là "bản độc thoại giản dị và đẹp đẽ về nhân cách một con người, một chiến sĩ". Trong lần tái bản năm 2011, tác phẩm "Nhật ký chiến tranh" của Trình Văn Vũ được bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu quý. "Nhật ký chiến tranh" cuốn tái bản bao gồm 5 phần: Nhật ký, thư từ của người thân và bạn hữu gửi cho Trình Văn Vũ, tiểu thuyết của Trình Văn Vũ, đồng đội và người thân viết về liệt sĩ và phần văn nghệ sĩ, trí thức đánh giá về tác phẩm này.
Dù chưa học hết lớp 7 nhưng những trang nhật ký và bản thảo cuốn tiểu thuyết dang dở mà anh viết tại chiến trường lại rất giàu tính nhân văn. Những trang sách đó “lấp lánh một tài năng văn chương" như một số nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học từng nhận xét. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: “Nhật ký Trình Văn Vũ là hành trình của sự tự hoàn thiện. Tất cả những gì thuộc về khát vọng, lẽ sống đã được tác giả thể hiện một cách sinh động, chân thành. Cái làm nên sức hút của cuốn nhật ký là vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Tình nguyện dấn thân, không mặc cả, không đòi hỏi, không chờ đợi bất cứ một sự nâng đỡ nhẹ tay nào, đó là một bản lĩnh sống cao đẹp. Gặp những lúc ngổn ngang bụi bặm này, đọc nhật ký của Trình Văn Vũ, chúng ta như được dưỡng tâm bởi một làn gió tươi nguyên khiết của tình người”.
Từ nội dung của nhật ký có thể cho thế hệ trẻ hôm nay cái nhìn sâu sắc hơn về phẩm chất tốt đẹp của người lính trong những năm đất nước chiến tranh. Đó còn là lẽ sống, lý tưởng cao đẹp cũng như những suy tư của họ trước thời cuộc: "Bắt đầu từ đây, một quyển sách mới... cứ một tờ lật đi lật lại biến đổi một chút trong cuộc đời bình thường của người lính. Và có ai biết chăng, cứ ngày ngày từng trang giấy ấy vẫn đang chờ một cái gì khốc liệt. Khốc liệt nhưng tin rằng rất vinh quang. Từ những quyển sổ tay nhỏ bé ấy, ta tin rằng sau này, nếu chiến trường không cướp mất, ta sẽ hiểu thế nào là đời chiến binh gian khổ".
3 cuốn nhật ký chiến tranh đã được xuất bản của các tác giả Quảng Ninh.
Nhật ký chiến tranh của liệt sĩ Trình Văn Vũ khiến người đọc rưng rưng xúc động khi đọc những dòng thấm đẫm tình thương yêu cha mẹ, anh em ruột thịt, bạn bè và đặc biệt là người vợ trẻ nơi quê nhà mới chỉ kịp có với nhau một đêm tân hôn. Đó là nỗi nhớ miên man về vùng biển, đảo Minh Châu với những bữa cơm giản dị mẹ nấu, cái Tết của dân biển miền Bắc: "Tiếp tục xuyên rừng hành quân trong nắng lửa. Vắt như trấu. Tất cả mệt mỏi, bơ phờ khó chịu. Đeo ba lô như đeo một thỏi chì lớn. Bước đi trong sương gió dãi dầu mưa nắng, chơi vơi, nằm sương, gối đất, rét run trong đêm khuya, lạnh lùng trong sáng sớm. Tất cả gộp lại thành một chuỗi ngày dài gập ghềnh dữ dội mà nó sẵn sàng cuốn đi cuộc đời, nếu như chẳng vững vàng, cứng rắn và đầy đủ nghị lực. Chao ôi, lúc này được rổ khoai luộc ở quê nhà mà ăn hay một củ sắn lùi chính tay mẹ đưa cho... ngon quá".
Về mặt nghệ thuật, rõ ràng tác giả Trình Văn Vũ đã không cố tình làm văn, không có ý định viết văn nhưng câu chữ cứ tuôn ra theo dòng cảm xúc. Những dòng nhật ký và những trang văn trong tiểu thuyết của Trình Văn Vũ le lói một năng khiếu văn chương thiên bẩm. Đó là một giọng văn giàu cảm xúc, chân thực, tinh tế, mạch lạc, lay thức người đọc. Có thể nếu không hy sinh, biết đâu sau này anh sẽ trở thành một nhà văn đáng nể: “Quyển sổ tay yêu thương! Mi sẽ là tâm hồn thứ nhất của ta, mi trước hết phải là của ta, sau nữa mi mới đến những người thân yêu nhất... Khi ấy, nếu ngã xuống máu sẽ nhuộm hồng bìa sổ và tin rằng mi sẽ đến với Thu Hà (người vợ liệt sĩ - PV) yêu quý của ta. Ðừng phụ lòng ta nhé!"
Nhà văn Nguyễn Phan Hách, nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhận định: "Trình Văn Vũ còn sống, chắc chắn sẽ thành một nhà văn. Trong những năm tháng bom đạn ác liệt ấy, anh đã làm thơ, viết tiểu thuyết. Những trang viết dở dang. Nhưng không cần. Chính đời anh đã là một trang thơ huyền thoại của cuộc chiến đấu hiện thực thời đại".
Nhật ký là người bạn giữa Trường Sơn khói lửa
Sinh thời, nhà báo Nguyễn Văn Đạt, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, tặng tôi cuốn sách nhật ký "Những ngày ở Trường Sơn" (NXB Văn học ấn hành năm 2012). Cuốn nhật ký bắt đầu từ ngày 22/4/1966, kết thúc ngày 26/5/1974, kể về quãng thời gian suốt 8 năm trong quân ngũ với biết bao kỷ niệm của người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Đạt, chiến sĩ thông tin Đoàn Đường dây miền Nam những năm chống Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Đạt viết nhật ký ở chiến trường năm 1973.
Trong lời mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Lứa tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy, hầu như người nào cũng ghi nhật ký. Tôi có may mắn suốt thời gian ở chiến trường chỉ làm công tác quân lực ở Đoàn đường dây trực thuộc Cục Hậu cần Bộ Chỉ huy Miền nên có điều kiện ghi nhật ký thường xuyên. Đó là những lời độc thoại phản ánh tâm tư tình cảm, suy nghĩ của tôi trong quá trình công tác, chiến đấu. Suốt những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến trường, quyển nhật ký lúc nào cũng nằm trong “sắc cốt” tài liệu đặt dưới đáy ba lô của tôi. Nó là người bạn mà ở đó tôi có thể trải lòng mình, tâm sự với chính mình".
Cuốn sách tập hợp tư liệu từ nhiều quyển sổ tay có màu giấy, kích cỡ và màu mực khác nhau, đã đồng hành cùng ông qua những chặng đường dài quân ngũ. Cuốn sách gồm 3 phần: Phần đầu là những ngày nhập ngũ đến lúc nhận quân đi B, phần 2 từ lúc vào Nam đến lúc ra Bắc. Phần thứ 3 là lúc ra Bắc đến khi lập gia đình.
Ông Nguyễn Văn Đạt (thứ hai, trái sang) và đồng đội ở chiến trường năm 1973.
Mỗi câu chuyện trong nhật ký như một đoạn phim quay chậm, tái hiện lại thời bi tráng của thế hệ cha anh. Những ngày ở Trường Sơn, tự tên cuốn nhật ký đã nói lên mạch cảm xúc chủ đạo của tác giả. Từ những trang viết tay đến khi được in thành sách, cuốn nhật ký vẫn giữ hầu như nguyên vẹn những xúc cảm trong trẻo của chàng thanh niên 22 tuổi hăm hở lên đường vào chiến trường miền Nam, mang theo biết bao hoài bão, dù không tránh khỏi những nỗi sợ trước sự nguy hiểm của cuộc chiến.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, đánh giá: “Cuộc đời anh giản dị, như hai tấm gương soi vào nhau và tìm thấy sự thống nhất ở trong nhau. Suốt chiều dài 8 năm ở Trường Sơn, dù làm việc dưới cánh rừng Tây Nguyên hay bên nước bạn, trong những năm chống Mỹ ác liệt, anh vẫn giữ được nét riêng. Những trang ghi chép theo sát từng ngày, bao giờ cũng hiền lành, trong trẻo. Anh không có ý định làm văn mà câu văn nhiều đoạn mượt mà, tha thiết”.
Ở đó, người đọc bắt gặp tình đồng đội vượt lên những mất mát, đau thương trong chiến tranh, những cơn sốt rét giữa mưa rừng Trường Sơn, những lá thư đầy xúc động từ gia đình, những xúc cảm đẹp trước những cô gái Trường Sơn. Nhà thơ Trần Nhuận Minh nhận định: “Chúng ta đã đọc nhiều trang về Trường Sơn trận mạc, khốc liệt, những trang nhật ký này cho ta biết một Trường Sơn khác, có phần yên tĩnh nhẹ nhàng hơn, trang viết cũng dịu dàng hơn để ta hình dung chiến trường một thuở với các cung bậc của nó. Và như anh nói có thể góp thêm vào làm phong phú thêm sức sống của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại những năm đánh Mỹ”.
Những cuốn sổ bạc màu mưa nắng
Ông Lê Duy Thái (trái) chia sẻ những kỷ niệm chiến trường cùng đồng đội.
Gần 10 năm ở chiến trường, vốn có tính lãng mạn, yêu văn chương, ông Lê Duy Thái (hiện cư trú tại TX Quảng Yên) đã ghi chép hàng chục cuốn nhật ký. Ghi nhật ký cũng là thói quen của nhiều chiến sĩ giải phóng quân. Ông Lê Duy Thái kể: Tôi biết nhiều đồng đội tôi thời đó đã để lại hàng ngàn cuốn nhật ký chiến tranh, nhật ký hành quân, ghi chép ở chiến trường… Chỉ một số ít may mắn được công bố. Đại bộ phận nằm rải rác trong các di vật của liệt sĩ đã chôn vùi trong các nấm mộ chưa biết tên hoặc là nằm mối mọt dưới đáy các rương hòm của người chiến sĩ trở về, chưa bao giờ được nhắc tới.
Những cuốn nhật ký của ông Lê Duy Thái.
Ông Thái cho biết, những cuốn nhật ký của ông là sổ tay bé tí nhoè nhoẹt vì mưa nắng thời gian. Ông còn giữ được cả thảy 12 cuốn sổ cỡ nhỏ kích thước 7x10cm, bìa nilon lấy từ những quyển lịch túi thời đó. Ruột bằng giấy mỏng hoặc giấy pơ luya viết thư. Trang đầu tiên trong cuốn sổ đầu tiên của ông Thái ghi là ngày 14/1/1967. Trang cuối cùng dừng lại ở ngày 3/12/1975, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ổn định tình hình rồi hành quân ra Bắc. Trong số đó có những quyển nhật ký vừa ghi nhật ký riêng lại vừa ghi nhật ký công tác.
Ông Lê Duy Thái thời trẻ.
Gần 10 năm trời, những cuốn nhật ký đó nằm dưới đáy ba lô theo ông Lê Duy Thái đi khắp các chiến trường, vào tận đến Sài Gòn. Sau hòa bình thống nhất, ông Thái trở lại Quảng Ninh, xếp những cuốn nhật ký đó ngay ngắn dưới đáy hòm, để bên giá sách.
Đã bao lần ông chuyển nhà chạy mưa gió bão bùng, nhật ký đã bị mưa dột ẩm mốc. Đến khi về hưu, CCB Lê Duy Thái mới có thời gian thu gom, phơi phóng lại.
Sau đó, ông Lê Duy Thái cho đánh máy lại toàn bộ 12 cuốn đó, trung thành với bản gốc với những sự thật cụ thể tại từng thời điểm ở chiến trường. Những câu chữ tuy nhoè nhoẹt, khó đọc nhưng cũng đủ để hình dung về mưa bom bão đạn, khói lửa, nắng mưa, sương gió chiến trường. Năm 2020, ông tập hợp lại để in thành cuốn sách “Đã một thời chúng tôi sống thế đấy” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Một người khác cũng có nhiều trang nhật ký ghi chép ở chiến trường, tuy chưa được xuất bản thành sách là CCB Bùi Duy Thinh, từng là sĩ quan Trung đoàn Cơ động 28, nguyên Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than. Ông Thinh ghi nhật ký từ tháng 7/1967 đến khi giải phóng miền Nam ra quân trở về miền Bắc.
Những trang nhật ký đã ố vàng theo tháng năm vẫn được ông Thinh gìn giữ cẩn thận. Đó có thể là những dòng ghi chép vội vào giữa trận đánh nhưng kể lại cho chúng ta hôm nay nhiều câu chuyện dài về sự khốc liệt của chiến tranh, lòng quả cảm của các chiến sĩ, tình yêu đồng đội, yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình.
Ở Quảng Ninh còn có một số người lính giải phóng quân ghi chép lại chặng đường hành quân của mình, tuy nhiên không ghi bằng con chữ mà bằng những bức ký hoạ. Đó là những bức vẽ vội vã trên đường hành quân nhưng có giá trị thông tin cao và đặc biệt là rất sinh động, giàu chất liệu đời sống.
Trang bìa một cuốn nhật ký của ông Thinh.
Bức ký hoạ được đặt tên là "Nắng trong rừng" của hoạ sĩ Công Phú mang về từ chiến trường.
Giá trị của những cuốn nhật ký nằm ở tính nhân văn, ở hiện thực chiến trường mà người lính hàng ngày phải trực tiếp đối mặt. Ở đó, hiện thực chiến tranh nổi lên với đầy những gian khổ, hy sinh, đói kém, bệnh tật, sốt rét rừng, chết chóc, chia ly. Tuy nhiên, cũng ở đó người chiến sĩ giải phóng quân vẫn sống với nhau chan chứa tình người, đầy trách nhiệm, vẫn tin yêu nhân dân, chia lửa cùng đồng cam cộng khổ với đồng đội của mình. Vì tính chất của cuộc hành quân nên nhật ký chiến trường đa số là những đoạn văn ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng nhiều thông tin quý giá, những tấm lòng thuỷ chung son sắt, tinh thần lạc quan, nhạy cảm với thiên nhiên sông núi cỏ hoa, đồng thời làm giảm đi phần nào tính chất khốc liệt của chiến tranh.
Phạm Học
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nhung-cuon-nhat-ky-trong-ba-lo-nguoi-linh-giai-phong-quan-3352360.html
Bình luận (0)