Các bác sĩ tiến hành lấy tạng từ người hiến. Ảnh: CHI MAI
Số liệu thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, năm 2022 và 2023 cả nước có khoảng 14 ca hiến tạng sau chết não/năm; năm 2024 tăng lên hơn 41 ca (một kỷ lục); 3 tháng đầu năm 2025 đã có 21 ca hiến tạng. Những người làm công tác ghép tạng cho rằng số lượng ca hiến tạng trong năm 2025 sẽ còn vượt xa so với năm trước.
Việt Nam có số ghép tạng cao nhất Đông Nam Á, nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não lại thuộc nhóm thấp nhất. Nguồn tạng từ người chết, chết não vẫn khan hiếm, trong khi nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng. Hàng nghìn người vẫn chờ đợi, trong khi 2/3 số người chết não xin về thuộc diện có tiềm năng hiến mô, tạng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức cộng đồng còn hạn chế, trong khi công tác truyền thông, vận động chưa thật sự hiệu quả.
Những năm gần đây, các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy ghép mô, tạng từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho hoạt động tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người chết não, chết tim. Chỉ số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng. Công tác truyền thông dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa đủ rộng và hiệu quả, nhiều người dân vẫn e ngại, lo ngại về tâm linh, đạo đức.
Các chuyên gia lĩnh vực ghép tạng cho rằng, những người được đào tạo bài bản, làm công tác tư vấn tốt sẽ giúp gia đình người bệnh hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của hiến tạng và đưa ra quyết định đúng đắn.
Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo quyết liệt để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, bệnh viện thành lập đội ngũ tư vấn hiến tặng mô, tạng; bảo đảm đội ngũ này có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp họ yên tâm công tác. Ở nhiều nước, tư vấn hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện là một phần quan trọng trong hệ thống y tế. Đây là mô hình Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp.
Tại hội thảo về vai trò của truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng từ người hiến sau khi chết/chết não được tổ chức mới đây, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng khung pháp lý; tăng cường giáo dục về hiến tặng và phẫu thuật ghép mô tạng; nâng cao nhận thức cộng đồng; đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế; thiết lập hệ thống đăng ký hiến tạng.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-khoang-trong-can-lap-day-trong-hoat-dong-hien-lay-ghep-mo-tang-post868718.html
Bình luận (0)