Tại các làng biển thuộc huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), những ngôi nhà "cổ" rêu phong được xây dựng từ vỏ sò vẫn tồn tại, dù đã trải qua hàng chục năm nắng mưa và bão gió biển khơi.
Những ngôi nhà này nằm chen giữa các công trình bê tông cốt thép hiện đại, như một minh chứng cho sự kiên cường của người dân nơi đây.

Những viên gạch được làm từ vỏ sò biển đã in dấu thời gian (Ảnh: Nguyễn Phê).
Trong thời kỳ vật liệu xây dựng khan hiếm, vỏ sò từng được coi là "vàng trắng" của làng biển. Với đặc tính kháng mặn và chịu được thời tiết khắc nghiệt, vỏ sò đã trở thành vật liệu chính thay thế cho gạch, đá, xi măng trong nhiều thập niên.
Bà Nguyễn Thị Danh (61 tuổi), trú tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, sở hữu ngôi nhà vỏ sò 3 gian được xây dựng gần 40 năm trước.
"Hồi đó cả nhà cùng góp công, ai đi biển về cũng tranh thủ gánh sò về đổ đầy sân. Khi gom đủ, chúng tôi đem vỏ sò đi nung vôi, trộn với cát, đóng thành từng viên gạch sò. Mỗi viên là hàng nghìn mảnh sò vụn, xếp chồng lên nhau để dựng thành tường, làm mái và tồn tại cho đến hôm nay", bà kể.

Căn nhà bà Danh làm từ vỏ sò tồn tại hơn 40 năm qua (Ảnh: Phan Ngọc).
Xây dựng một ngôi nhà hoàn chỉnh bằng vỏ sò mất 1-2 năm, với vật liệu sẵn có và công sức của người dân tự bỏ ra. Không chỉ tường nhà, mà cả tường rào, chuồng gà, giếng nước... đều được xây từ những viên gạch đặc biệt đó.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều bức tường đã bị phong hóa, mưa bão bào mòn, để lộ lớp vỏ sò trắng xóa, vỡ vụn.
Bà Nguyễn Thị Lộc (66 tuổi), ở xã An Hòa, chia sẻ: "Trước kia, lúc nghèo khó, vỏ sò là thứ quý nhất để dựng nhà. Bây giờ điều kiện khá hơn, ai cũng đổi sang nhà mới bê tông hết rồi. Nhà tui giờ cũ rồi, chỉ quây tạm để ở, sinh hoạt một số công việc. Còn những chỗ bị nước thấm, tôi phải mua giấy dán tường để chống thấm".

Ngày trước, gia đình bà Danh mất gần 2 năm mới xong ngôi nhà này (Ảnh: Nguyễn Phê).
Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết, những ngôi nhà vỏ sò từng được người dân địa phương xây dựng rất phổ biến trong giai đoạn khó khăn. Dù đến nay, phần lớn đã xuống cấp, bị phá bỏ, nhưng với người dân làng biển, đó vẫn là một phần ký ức không thể nào quên.
"Đó không chỉ là sự sáng tạo trong điều kiện thiếu thốn, mà còn là minh chứng cho tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó của bao thế hệ ngư dân của chúng tôi. Hiện nay rất ít người còn ở trong những ngôi nhà ấy, nhưng chúng tôi vẫn xem đó là một nét văn hóa độc đáo khó quên lãng...", ông Dũng nói.
Từng mảng tường vỏ sò "vang bóng một thời" nay dần nhạt phai, nhường chỗ cho dãy nhà cao tầng hiện đại, khang trang mọc lên giữa làng biển đổi thay từng ngày.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/nhung-ngoi-nha-vo-so-va-ky-uc-mot-thoi-gian-kho-cua-nguoi-dan-lang-bien-20250506214529798.htm
Bình luận (0)