Hạt nhân nòng cốt của CLB Tuồng
Tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, CLB Tuồng trở thành ngôi nhà chung của những "lão nông tri điền” đam mê và quyết tâm gìn giữ những câu hát cổ. Và một trong những người “thắp lửa” để CLB luôn tỏa sáng chính là bà Phan Thị Lương, Chủ nhiệm CLB Tuồng Hoàng Đan.
Dù năm nay đã 76 tuổi, bà Lương vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai và giọng hát khỏe khoắn. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghệ thuật Tuồng, bà Lương cho biết: “Những năm 60 của thế kỷ XX, xã Hoàng Đan có một đội văn nghệ chuyên hát hò tại đình làng để phục vụ những ngày lễ, Tết và tôi là một thành viên trẻ tuổi trong đội. Đến năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc diễn ra ác liệt, Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) sơ tán về địa phương và mượn đình làng làm nơi tập luyện, biểu diễn của các nghệ sĩ. Nhận thấy đội văn nghệ địa phương có niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật Tuồng cổ, hơn nữa nhiều cá nhân có chất giọng tốt, phù hợp nên các nghệ sĩ đã chỉ dạy, hướng dẫn chúng tôi tiếp cận, thực hành hát múa Tuồng. Nhờ đó, tôi trở thành 1 trong 20 thành viên đầu tiên của CLB Tuồng xã Hoàng Đan.
Từ đó trở đi, cứ vào dịp lễ, Tết, CLB Tuồng lại dựng sân khấu biểu diễn phục vụ người dân trong xã. Không chỉ vậy, CLB còn lưu diễn ở khắp các tỉnh thành khu vực phía Bắc để phục vụ nhân dân cũng như động viên, cổ vũ tinh thần cho bộ đội chiến đấu. Các vở diễn Tuồng đặc trưng được các diễn viên diễn đến thuộc làu như Sơn Hậu, Đề Thám, Ngô Quyền, Đào Tam Xuân, Trưng Nữ vương…
Trải qua thăng trầm thời gian cùng sự biến đổi của xã hội, nghệ thuật Tuồng dần mai một, khán giả không còn nhiều như trước khiến CLB tạm ngưng hoạt động. Dần dần, mong muốn gìn giữ nghệ thuật Tuồng truyền thống đã thôi thúc ngày càng nhiều thành viên tập hợp lại, khôi phục CLB. Khi ấy, bà Lương cùng vợ chồng bà Liên, ông Phúc (thành viên CLB) liên lạc với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam để các nghệ sĩ ủng hộ, giúp đỡ CLB về trang phục, đạo cụ biểu diễn, cử giáo viên về hướng dẫn kịch bản, phục dựng một số vở Tuồng cổ.
Không chỉ vậy, hằng ngày bà Lương còn miệt mài “chiêu mộ” thêm những thành viên yêu thích nghệ thuật Tuồng trong các CLB văn nghệ ở địa phương để truyền nghề. Với nhiều nỗ lực, tháng 11/2015, CLB Tuồng Hoàng Đan chính thức được tái lập, bà Phan Thị Lương được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Thành viên trẻ nhất cũng trên 50 tuổi, còn người già nhất đã ngoài 80 tuổi. CLB hiện có 3 thành viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là bà Phan Thị Lương, Lê Thị Việt, Nguyễn Thị Liên.
Đến nay, mỗi dịp địa phương tổ chức lễ hội hay có sự kiện gì quan trọng, CLB luôn đóng vai trò chủ lực trong các chương trình văn hóa, văn nghệ. Bà Lương trải lòng: “Cả đời này tôi gắn bó với Tuồng, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ bà con. Cứ mỗi lần đi diễn, được hát, được hóa thân vào nhân vật bằng tất cả khả năng của mình là hạnh phúc lắm. Tôi mong sẽ ngày càng có những lớp trẻ yêu mến hát Tuồng để môn nghệ thuật này còn vang vọng mãi với thời gian”.
Góp phần giữ lửa CLB hát Xoan Kim Xá
Ở thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, bà Trần Thị Hồng Kỳ, 72 tuổi - Phó Chủ nhiệm CLB hát Xoan được nhiều người nể phục không chỉ ở tài hát Xoan nức tiếng mà còn bởi niềm đam mê cháy bỏng, cống hiến hết mình để gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát Xoan.
Sinh ra và lớn lên tại làng Hoàng Thượng (làng Sậu), xưa kia nổi tiếng với phường Xoan Sậu, ngay từ nhỏ, bà Kỳ đã được tiếp cận những làn điệu hát Xoan của bà, của mẹ và thường xuyên đi xem các bậc cao niên hát Xoan tại đình làng. Tình yêu và niềm đam mê hát Xoan của bà ngày càng được nuôi dưỡng, phát triển. Từ năm 17 tuổi, bà đã có thể hát, múa một số làn điệu Xoan cổ.
Bà Kỳ chia sẻ: “Hát Xoan có âm điệu không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát. Vậy nên, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó để học được”.
Cũng như một số di sản văn hóa phi vật thể khác, những thăng trầm của thời gian đã tác động không nhỏ đến nghệ thuật hát Xoan. Bên cạnh đó, những bậc cao niên là đào, kép có tiếng trong làng tuổi đã cao, trí nhớ hạn chế, nhiều cụ đã mất nên hát Xoan ở Kim Xá có những lúc đứng trước nguy cơ mai một.
Ý thức được điều đó, bà Kỳ cùng những người bạn đã tìm đến nhà các cụ tiền bối trong làng vốn là đào, kép của phường Xoan Sậu để học và lưu lại cách hát cổ. Khi đã học được, các bà chép lại vào quyển vở, bọc ni lông cẩn thận để gìn giữ, bảo tồn. Bà Kỳ cũng là một trong những thành viên đứng ra tập hợp những thành viên có cùng đam mê sinh hoạt trong tổ hát Xoan của thôn. Đến năm 2020, CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng chính thức thành lập gồm 25 thành viên, bà Trần Thị Thanh Khu được bầu là Chủ nhiệm CLB, bà Trần Thị Hồng Kỳ và ông Đầu Đức Đố là Phó Chủ nhiệm CLB.
Hằng tuần, hễ có thời gian rảnh, các bà, các cô lại tụ họp tại chùa Thanh Long để tập luyện. Người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người biết ít theo hình thức truyền khẩu. Những câu hát vang lên, xua tan mọi khoảng cách tuổi tác, xóa bỏ tất cả những nhọc nhằn của cuộc sống hằng ngày.
Ngoài tích cực biểu diễn tại các dịp lễ, hội, những sự kiện đặc biệt của địa phương, CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng còn thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB hát Xoan ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các thành viên CLB đều nói rằng, tham gia hát Xoan giúp họ có thêm niềm vui lúc tuổi già và góp phần gìn giữ để nghệ thuật hát Xoan còn sống mãi với thời gian.
Những người “thắp lửa” các bộ môn nghệ thuật truyền thống, những "hạt nhân" tích cực như bà Lương, bà Kỳ đã tạo động lực, củng cố, nâng cao hoạt động bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa trong cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mãi trường tồn và phát triển.
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128523/Nhung-nguoi-“thap-lua”-nghe-thuat-dan-ca-truyen-thong
Bình luận (0)