Lãi suất huy động tại phần lớn các ngân hàng giữ ổn định trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, cho thấy xu hướng giảm đã chững lại. Dư địa điều chỉnh tiếp không còn nhiều, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực về tỷ giá, duy trì thanh khoản hệ thống…
Duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ quan điều hành tiếp tục giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp, nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đánh giá của NHNN, kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Mặc dù lạm phát tại một số nền kinh tế lớn đã phần nào hạ nhiệt, nhưng nguy cơ quay trở lại vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở (OMO), phù hợp với cung – cầu vốn trên thị trường.
Cụ thể, NHNN duy trì hoạt động chào mua giấy tờ có giá mỗi ngày với khối lượng hợp lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn chào mua cũng được triển khai, nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng, qua đó hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
Trước diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá tiếp tục chịu áp lực, NHNN đã đẩy mạnh bơm thanh khoản nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống. Chỉ tính riêng tuần qua, cơ quan này đã bơm ròng gần 9.400 tỷ đồng thông qua OMO nối dài chuỗi tuần bơm ròng liên tiếp thời gian gần đây. Theo giới chuyên gia, đây là động thái cần thiết giúp duy trì thanh khoản dồi dào cho thị trường.
Bà Hoàng Thị Minh Huyền, chuyên gia kinh tế vĩ mô thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định: “Tính chung, khối lượng tiền được bơm ra thị trường thông qua các công cụ điều tiết đã lên tới hơn 120.000 tỷ đồng. Điều đó phản ánh sự linh hoạt của NHNN và nhất quán với mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách đảm bảo thanh khoản dồi dào”.
Bám sát định hướng điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay tiếp tục xu hướng giảm. Trong tháng 6/2025, lãi suất cho vay bình quân các khoản mới tại các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay có sự phân hóa mạnh, đặc biệt giữa khách hàng cá nhân và tổ chức. Qua khảo sát cho thấy, hiện có 4 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động vượt 7,7%/năm, nhưng chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi đặc biệt lớn.
Cụ thể, ABBank đang áp dụng mức lãi suất lên tới 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng chỉ dành cho khách hàng duy trì số dư tối thiểu 1.500 tỷ đồng. PVComBank niêm yết lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng với yêu cầu số dư tối thiểu lên tới 2.000 tỷ đồng. HDBank đưa ra mức 8,1%/năm cho khoản gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, Vikki Bank áp dụng mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng chỉ dành cho khách hàng có từ 999 tỷ đồng.
Rõ ràng, mức lãi suất cao này không dành cho số đông người gửi tiền thông thường, mà chỉ phù hợp với các tổ chức kinh tế lớn có dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ.
Ở nhóm ngân hàng thương mại phổ biến, như Techcombank, TPBank hay PVComBank, lãi suất huy động cao nhất hiện nay cũng chỉ quanh mức 6%/năm, tùy theo kỳ hạn và chính sách cộng thêm. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhìn chung dao động từ 4,6% đến 6%/năm.
Trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu có xu hướng dịch chuyển và áp lực từ tỷ giá còn kéo dài, bài toán vừa duy trì thanh khoản dồi dào, vừa giữ ổn định mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với NHNN trong thời gian tới.
Cần chính sách điều hành linh hoạt để giữ ổn định lãi suất
Trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi từ dân cư chậm hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay ngày càng gia tăng, một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.
Giới phân tích nhận định, động thái này chủ yếu nhằm gia tăng sức hút đối với dòng tiền nhàn rỗi, trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm 2025 đã tăng gần 10% mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Áp lực từ đà tăng tín dụng cũng lan sang thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất qua đêm từng có thời điểm lên tới 6,4%/năm. Dù vậy, nhờ các biện pháp bơm thanh khoản kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt, về quanh mức 4,6%/năm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính, cho rằng: “Việc giữ lãi suất huy động ở mức thấp hiện nay chủ yếu nhờ vai trò điều tiết của NHNN. Nếu cơ quan điều hành tiếp tục bơm thanh khoản dồi dào và kiểm soát chặt các đợt điều chỉnh tăng lãi suất từ các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất có thể ổn định. Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất thấp kéo dài cũng đi kèm hệ quả: áp lực lên tỷ giá sẽ gia tăng”. Ông lưu ý rằng mặc dù đồng USD đang có xu hướng suy yếu, nhưng VND vẫn liên tục mất giá, cho thấy một "điểm nghẽn kép" trong điều hành chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cũng thừa nhận lãi suất trong thời gian tới sẽ chịu nhiều sức ép. Đặc biệt, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay gần như đã cạn kiệt, trong khi cầu tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025. Thêm vào đó, hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn trong huy động vốn do cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như chứng khoán, vàng, bất động sản…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng: “Nếu kiểm soát tốt lạm phát và có sự phối hợp điều hành chính sách chặt chẽ giữa NHNN và các tổ chức tín dụng, hoàn toàn có thể giữ ổn định lãi suất đầu vào, gia tăng nguồn vốn huy động, đồng thời kiểm soát được mặt bằng lãi suất cho vay”.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất NHNN cần duy trì sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, bằng các công cụ như phát hành tín phiếu, chào mua giấy tờ có giá… nhằm cung cấp nguồn vốn chi phí thấp cho các ngân hàng thương mại. Qua đó tạo điều kiện duy trì mức lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đúng theo định hướng của Chính phủ.
Nguồn: https://baolamdong.vn/no-luc-binh-on-lai-suat-huy-dong-doi-mat-nhieu-thach-thuc-382728.html
Bình luận (0)