Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực giảm cháy, nổ mùa nắng nóng

Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân Hà Nội tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao hơn so với bình thường.

Hà Nội MớiHà Nội Mới07/07/2025

Từ thực tế trên, cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía nhằm hạn chế đến mức tối đa cháy, nổ có thể xảy ra.

chay-no.jpg

Lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống cháy nổ cho người dân tại phường Từ Liêm.

Bất cập vì thiếu chế tài xử lý

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2025 (tính đến ngày 14-5-2025), Hà Nội ghi nhận 683 vụ cháy, nổ, làm 22 người chết, 12 người bị thương và thiệt hại tài sản ước tính 6,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ cháy tăng 76,5%, số người chết tăng thêm 13 người. Đáng chú ý, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm đến 73,5%.

Những ngày hè nắng nóng, nguy cơ hỏa hoạn càng gia tăng khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, dễ dẫn đến chập cháy thiết bị sử dụng điện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, xem nhẹ an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Điển hình gần đây như vụ cháy tại số 23 phố Phan Đình Phùng (phường Quán Thánh, quận Ba Đình cũ) xảy ra ngày 16-5 hay 2 vụ cháy liên tiếp vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũ) đều có nguyên nhân xuất phát từ sự cố thiết bị điện trong quá trình sử dụng.

Không chỉ các công trình nhà ở, các địa điểm sản xuất, kinh doanh cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ vào mùa nắng nóng. Qua kiểm tra thực tế, Thiếu tá Nguyễn Danh Ngọc, cán bộ Tổ địa bàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Hà Đông cho biết, chợ Hà Đông có hơn 1.350 ki-ốt kinh doanh 38 ngành hàng khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do nhiều thiết bị điện hoạt động cùng lúc, trong khi chợ lại có số lượng lớn hàng hóa dễ cháy; các hộ kinh doanh tại chợ chưa thực sự chủ động phòng cháy, ỷ lại công tác này cho lực lượng bảo vệ.

Đáng chú ý, các nguyên nhân gây cháy do mất an toàn điện còn thường gặp tại cơ sở do hệ thống điện đã xuống cấp nghiêm trọng, không được thiết kế bảo đảm theo phụ tải. Tuy nhiên, vấn đề này không được khắc phục do không có quy định cũng như chế tài xử lý.

Thượng tá Nguyễn Lê Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong các trường hợp này, lực lượng chức năng chủ yếu khuyến cáo và hướng dẫn an toàn, còn việc khắc phục lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của chủ cơ sở.

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, diễn biến, tình hình cháy, nổ sẽ có chiều hướng phức tạp do đang là mùa nắng, nóng nên nhu cầu sử dụng điện và các thiết bị điện tăng cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến dễ xảy ra sự cố về điện, tiềm ẩn cháy, nổ đối với loại hình nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Đồng bộ các giải pháp hạn chế hỏa hoạn

Để giảm thiểu tình trạng cháy, nổ và những thiệt hại do “giặc lửa” gây ra trong thời gian cao điểm nắng nóng, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy từ thiết bị điện. Trong đó, Công an thành phố đã phối hợp với cơ quan cung cấp điện rà soát hệ thống trên toàn tuyến và điểm áp công tơ vào nhà dân.

Cùng với đó, các Tổ địa bàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người dân trong phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt chú trọng công tác hướng dẫn cách thức sử dụng điện an toàn, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay mới các thiết bị đã cũ, thực hành tiết kiệm, tắt điện khi không sử dụng, nhất là vào mùa hè để tránh hiện tượng quá tải, nghẽn mạch…

Tham gia tập huấn về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại hộ gia đình, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (xã Phù Nam) cho biết, thông tin tại buổi tuyên truyền rất thiết thực. “Gia đình tôi đã chủ động mua bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc và nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn”, bà Bích nói.

Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” bởi đây là lực lượng phản ứng nhanh nhất khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Theo số liệu của UBND quận Ba Đình (cũ), tính đến trước ngày 1-7-2025, trên địa bàn quận Ba Đình xảy ra 29 vụ cháy. Trong đó, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ tự dập tắt (hoặc tham gia chữa cháy từ ban đầu) 23 vụ. Từ thực tế đó cho thấy, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia giải quyết nhiều tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại một số địa điểm nhằm kéo giảm bán kính phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; từng bước hình thành “mạng lưới phản ứng nhanh”… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/no-luc-giam-chay-no-mua-nang-nong-708356.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm