Học sinh chụp ảnh cùng các nhân chứng lịch sử.
Chương trình gặp gỡ, giao lưu với ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Tấn Đạt (Nhạc sĩ Lan Phong) - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre và ông Lê Văn Thức - cựu tù Côn Đảo. Đây là các nhân chứng lịch sử, trải qua cuộc chiến tranh đầy ác liệt với những ký ức không thể nào quên. Cuộc gặp gỡ có sự tham dự của đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh các trường học trên địa bàn TP.Bến Tre.
Ông Lê Văn Thức - cựu tù Côn Đảo kể lại những kỷ niệm thời chiến.
Gặp gỡ ông Lê Văn Thức - cựu tù Côn Đảo, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, ông đã kể lại những câu chuyện của mình về lý do vì sao bị địch bắt và bị kết án tử hình, những hình phạt mà ông đã bị tra tấn cũng như những khắc nghiệt trong khoảng thời gian ở nhà tù Côn Đảo.
Ông Lê Văn Thức cũng là nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng "Mẹ và con cựu tù Côn Đảo" (tác giả Lâm Hồng Long chụp năm 1975). Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mẹ Trần Thị Bính ôm lấy ông Lê Văn Thức, hai mẹ con cùng khóc trong ngày đoàn tụ. Ông Lê Văn Thức kể: "Lúc đó hai mẹ con gặp lại chỉ ôm nhau khóc thôi, rất lâu. Mẹ tôi không nghĩ rằng tôi còn sống trở về và hai mẹ con được gặp lại nhau". Vì yêu cầu của cách mạng, ông Thức được cài vào hàng ngũ địch, điều này làm mẹ ông rất buồn, đến sau này bà mới biết ông Thức là chiến sĩ cách mạng bị kết án tử hình tại nhà tù Côn Đảo. Ngày mẹ con gặp lại vì vậy càng dâng trào xúc động.
Ông Trần Công Ngữ chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên đề.
Chương trình cũng gặp gỡ ông Trần Công Ngữ và được nghe chia sẻ về câu chuyện của Đoàn Văn công giải phóng. Trong chiến tranh, trước những áp bức của kẻ thù, hoạt động văn hóa văn nghệ cách mạng càng bức thiết và chính là động lực quan trọng góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân và nhân dân. Đoàn Văn công giải phóng của tỉnh đã đi khắp cơ sở, gắn bó với quân đội và nhân dân, phục vụ đồng bào. Ông Trần Công Ngữ cũng kể lại những trận đánh quan trọng mà ông là nhân chứng cũng như câu chuyện về anh hùng Hoàng Lam và Đội đặc công thủy.
Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, các anh chị em văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” câu nói ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần trong tư tưởng của những người làm văn hoá, nghệ thuật. Thời kỳ kháng chiến có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ,..đã có những sáng tác nêu cao tinh thần, ý chí chiến đấu, cổ vũ mạnh mẽ cho những chiến công, viết tiếp những trang sử oai hùng của dân tộc.
Nhạc sĩ Lan Phong chia sẻ những câu chuyện không thể quên thời kháng chiến.
Chương trình cũng đã gặp gỡ nhạc sĩ Lan Phong, nghe ông chia sẻ về những câu chuyện, kỷ niệm thời chiến, là những dấu ấn không thể quên đã nuôi dưỡng cảm xúc của người nhạc sĩ, tạo nên những nhạc phẩm đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Lan Phong đã sáng tác trên 200 tác phẩm các thể loại, thể hiện nhiều nội dung phong phú về đất và người Bến Tre, ca ngợi những tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ và đồng bào Bến Tre trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi tình yêu Tổ quốc, khơi dậy tình đoàn kết, hăng say lao động sản xuất và khích lệ tinh thần thi đua yêu nước... Những tác phẩm tiêu biểu của ông như ca khúc: Quê ta trai tài gái giỏi, Người mẹ xứ dừa, Tiểu đoàn 516, Huyền thoại một dòng sông, Rực sáng rừng Dừa... đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong vai trò sáng tác âm nhạc của tỉnh nhà.
Học sinh tham gia trả lời câu hỏi tìm hiểu tại chương trình.
Nhạc sĩ Lan Phong còn là người phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tố nghệ thuật, đã có hơn 800 diễn viên, giáo viên, người hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật tỉnh nhà. Ông là người có đóng góp tích cực trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Chương trình nói chuyện đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người tham dự. Qua hoạt động nhằm nhắc nhớ, ôn lại và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước.
Tin, ảnh: Thanh Đồng
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/noi-chuyen-chuyen-de-ke-chuyen-ngay-dai-thang-18042025-a145370.html
Bình luận (0)