Góp phần vào thành tựu chung này có công sức, nỗ lực của Viện Phim Việt Nam (thuộc Bộ VH-TT-DL), đơn vị được giao nhiệm vụ bảo quản, phát huy kho tàng phim trong nước hiện nay.

1. Chỉ tính riêng tại Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III) vừa qua, Viện Phim Việt Nam đã đem đến 18/22 bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng được trình chiếu. Điều đáng chú ý là tất cả các bộ phim đều được số hóa, hiệu chỉnh với chất lượng cao nhất, thậm chí có bản phim được chính đạo diễn nhận xét là hình ảnh và âm thanh còn tốt hơn thời điểm phim ra mắt cách nay gần 30 năm.
Viện Phim Việt Nam hiện là nơi lưu trữ phim điện ảnh lớn nhất cả nước và được xếp vào loại hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. Trong đó, phim đề tài chiến tranh cách mạng của điện ảnh Việt Nam sản xuất trước và sau ngày đất nước thống nhất đang chiếm một khối lượng rất lớn, được bảo quản theo các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt tại hệ thống kho lưu trữ của viện.
Trong những năm qua, thông qua nhiều hình thức, kho tàng hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng đã được Viện Phim Việt Nam đưa đến phục vụ hàng triệu lượt khán giả trên khắp các vùng miền trong nước và cả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất (phim truyện lẫn phim tài liệu) luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Điển hình như tại DANAFF III, những bộ phim được giới thiệu đã gây nhiều xúc động cho khán giả, cả những người đã xem nhiều lần và những người trẻ lần đầu biết đến, như: Cánh đồng hoang (1979), Mẹ vắng nhà (1980), Mối tình đầu (1980), Về nơi gió cát (1983), Huyền thoại về người mẹ (1987), Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988), Tuổi thơ dữ dội (1991), Lưỡi dao (1995), Ngã ba Đồng Lộc (1997), Chung cư (1999), Truyền thuyết về Quán Tiên (2019)…
2. Là một người lính bước ra từ chiến tranh, với chúng tôi, những bộ phim không đơn thuần là một tác phẩm giải trí, tuyên truyền, mà hơn thế nữa, nó như gắn với những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ mà chúng tôi không bao giờ có thể quên. Tôi đã ngồi cùng xem Cánh đồng hoang với các bạn trẻ ở một rạp chiếu phim rất hiện đại tại trung tâm TP Đà Nẵng.
Khung cảnh xung quanh khác, không còn là bãi cỏ sặc mùi phân bò ngày nào; con người xung quanh cũng khác, không còn là những người bạn cùng trang lứa với ánh mắt háo hức khi lần đầu được nhìn lên tấm màn chiếu treo giữa trời lộng gió. Nhưng cảm xúc vẫn thế, tôi thấy không gian rạp chiếu căng lên những lúc Ba Đô luồn lách dưới những bụi lau sậy né tránh làn đạn từ máy bay trực thăng, hay tiếng xuýt xoa với những cảnh xung đột của đôi vợ chồng trẻ, và cả rạp chiếu lặng đi khi phim về cuối.
Tôi đoán trong rạp khi đó chắc không mấy ai từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng các bạn cũng đã phần nào hiểu được nỗi đau của chiến tranh, cái giá của hòa bình. Điều ấy làm những người cựu chiến binh như tôi thực sự cảm thấy ấm lòng, thêm tự hào về những đóng góp của mình trong chiến thắng chung của cả dân tộc.
Nhắc đến những điều trên, một lần nữa tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những người làm phim và cả những người đã góp phần lưu giữ, bảo quản những thước phim quý giá; để hôm nay đưa đến người xem, những thế hệ sinh ra trong hòa bình, với chất lượng và sự toàn vẹn cao nhất. Chia sẻ với khán giả trong buổi chiếu bộ phim Vào Nam ra Bắc (sản xuất năm 2000), đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ sự xúc động khi thấy đứa con tinh thần của mình dù đã qua 25 năm nhưng chất lượng vẫn hoàn hảo, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
3. Có mặt và chứng kiến những giây phút xúc động ấy, bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, không giấu được nỗi niềm của mình. Hiện trung bình mỗi năm, viện quay trở, lau rửa bằng hóa chất định kỳ hơn 11.000 cuốn phim các loại. Ngoài ra, các chuyên gia của viện còn tu sửa, phục chế và số hóa những phim bị hư hỏng theo thời gian. Trong đó, viện đã phục chế và số hóa nhiều bộ phim có giá trị lịch sử, như: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Miền Nam trong trái tim tôi; Những giây phút cuối đời Bác; Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin; Nước nguồn Pắc Pó; Chiến thắng Điện Biên Phủ…
Nhằm kéo dài tuổi thọ phim, phục vụ công tác lưu trữ, khai thác tư liệu hiệu quả, viện đã lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc in chuyển phim tới hạn, phim thiếu bộ bản, phim nhựa, băng betacam digital sang file số độ phân giải cao. Viện có 1.500 hồ sơ phim truyện Việt Nam, 2.030 hồ sơ phim tài liệu, 615 hồ sơ phim hoạt hình, cùng hàng trăm hồ sơ về những nhà hoạt động điện ảnh, các vấn đề chung về điện ảnh… Đây là nguồn tư liệu quý cho công tác tra cứu, nghiên cứu và phục vụ trưng bày, triển lãm.
Hành trình 45 năm của Viện Phim Việt Nam là nỗ lực chung của nhiều thế hệ, đã góp phần đưa viện trở thành “ngôi nhà” của các tác phẩm điện ảnh, nơi giữ cho những “bông hồng vàng” của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam vẫn luôn ngời hương sắc qua thời gian.
Viện Phim Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Các viện lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVVA) vào năm 1995 và tổ chức thành công 4 kỳ Hội nghị SEAPAVVA vào các năm 1998, 2004, 2012, 2021.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/noi-luu-giu-nhung-net-son-cua-dien-anh-cach-mang-post804545.html
Bình luận (0)