Gia tăng lợi thế
GS.TS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có những nhận định sâu sắc về tiềm năng to lớn này: Việc sáp nhập không chỉ là sự thay đổi hành chính đơn thuần mà là một quyết định mang tính chiến lược, tạo ra một không gian phát triển nông nghiệp rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều. Ông phân tích: Sự kết hợp giữa vùng đất phù sa màu mỡ của Nam Định và Hà Nam cùng địa hình đa dạng của Ninh Bình (cũ) tạo điều kiện lý tưởng cho đa dạng hóa sản xuất. Cụ thể, Nam Định nổi bật với bờ biển dài 72 km và gần 17 nghìn ha đất mặt nước, thuận lợi phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản giá trị cao. Đây cũng là vựa lúa lớn với gần 880 nghìn tấn lúa gạo/năm, trong đó có 85% lúa chất lượng cao với nhiều giống đặc sản nổi tiếng. Hà Nam mang đến lợi thế về các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện có 4 khu với tổng diện tích gần 500 ha, giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lên 3-4 lần so với sản xuất đại trà; có sản lượng chăn nuôi và sữa đáng kể, với trên 99 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng và hơn 11 nghìn tấn sữa bình quân mỗi năm. Trong khi đó, với Ninh Bình, dù diện tích không lớn, nhưng sở hữu sự phong phú trong sản phẩm nông sản, từ lúa đặc sản đến cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi và thủy sản đặc sản. Sự đa dạng này cho phép hình thành các vùng chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, nhìn nhận ở khía cạnh khác: Sự đa dạng về địa hình, sinh thái là lợi thế giúp tỉnh Ninh Bình mới phát triển kinh tế nông thôn đa dạng, không chỉ về cây-con, mà còn về dịch vụ, du lịch, làng nghề và công nghiệp chế biến. Sự cộng hưởng giữa các vùng sẽ tạo ra khả năng điều phối theo chuỗi giá trị, giảm thiểu phân tán và tăng tính liên kết.
Với dân số và quy mô lớn hơn, thị trường tiêu thụ nội địa sẽ tăng cường đáng kể. Vị trí địa lý chiến lược, gần Thủ đô Hà Nội cùng hệ thống giao thông huyết mạch được cải thiện sẽ giúp nông sản dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn và thuận lợi cho xuất khẩu. Đặc biệt, Ninh Bình, với tiềm năng du lịch khổng lồ sẽ là cầu nối quan trọng, giúp quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương trực tiếp đến du khách, kích cầu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.
Đáng chú ý, sự sáp nhập sẽ tạo ra một kho tàng sản phẩm OCOP vô cùng phong phú. Tính đến hết năm 2024, Ninh Bình có hơn 200 sản phẩm OCOP, Nam Định có hơn 600 sản phẩm và Hà Nam là 157 sản phẩm. Tổng cộng, tỉnh mới sẽ sở hữu hơn 960 sản phẩm OCOP. Đây là một lợi thế cạnh tranh vượt trội, tạo nên sự đa dạng cho các sản phẩm lưu niệm, quà tặng và thực phẩm đặc sản phục vụ trực tiếp cho thị trường du lịch.
Ngoài ra, một tỉnh lớn hơn sẽ có sức hút mạnh mẽ hơn đối với đầu tư từ cả ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và khối tư nhân. Đồng thời, khả năng thu hút các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng sẽ tăng lên, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Hà Nam đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nam Định cũng đã triển khai mạnh mẽ việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO và đầu tư vào các nhà máy chế biến nông sản hiện đại. Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy toàn bộ vùng phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững hơn.
Doanh nghiệp lạc quan đón đầu cơ hội mới
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực cũng thể hiện rõ sự lạc quan về những cơ hội mà sáp nhập 3 tỉnh mang lại. Ông Nguyễn Văn Can, Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc cho biết: Việc sáp nhập là một bước đi chiến lược, đặc biệt với Ninh Bình-một điểm đến du lịch hàng đầu cả nước. Với lượng lớn khách du lịch đổ về mỗi năm, nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có sữa và các sản phẩm từ sữa chất lượng cao là rất lớn. Giờ đây, khi chúng ta là một khối thống nhất, việc mở rộng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm của chúng tôi đến du khách và người dân Ninh Bình sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là cơ hội vàng để chúng tôi gia tăng sản lượng, mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trên một địa bàn rộng lớn hơn”.
Bà Đỗ Thị Phương Thảo, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Lenger Việt Nam, đơn vị chuyên thu mua và xuất khẩu thủy sản chia sẻ niềm vui về việc tối ưu hóa vùng nguyên liệu: Trước đây, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, chúng tôi thường phải hợp tác với nhiều địa phương khác nhau, việc quản lý và kiểm soát chất lượng đôi khi còn phân tán. Nay, với việc sáp nhập, đặc biệt là khi Ninh Bình và Nam Định trở thành một phần của tỉnh mới, vùng nguyên liệu thủy sản của chúng tôi gần như ở trong một đơn vị hành chính. Điều này mang lại lợi ích to lớn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, đánh bắt đến khâu chế biến và xuất khẩu. Việc tối ưu hóa quy trình thu mua, vận chuyển sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Giải pháp chiến lược để khai thác hiệu quả
Để biến những tiềm năng, lợi thế thành hiện thực, GS.TS Đào Xuân Học nhấn mạnh: Cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển rõ ràng là bước đi tiên quyết. Ông Học khẳng định: “Cần có một quy hoạch tổng thể về sử dụng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi, vùng thủy sản một cách khoa học và bền vững. Đồng thời, phải xác định rõ các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh mới để tập trung đầu tư và phát triển theo hướng chuyên canh”. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, không thể phát triển nông nghiệp hiện đại nếu thiếu công nghệ. Cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ngay tại tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Đặc biệt, tận dụng lợi thế du lịch của tỉnh để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Ngọc Luân cũng đưa ra những tư duy chính sách mới cho phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập: Tổ chức lại không gian phát triển theo hệ sinh thái và chức năng liên vùng: Quy hoạch các vùng đồng bằng như Yên Khánh, Nghĩa Hưng, Bình Lục thành trung tâm sản xuất nông nghiệp chuyên canh (lúa chất lượng cao, rau quả xuất khẩu, chăn nuôi theo chuỗi). Các vùng ven Tràng An, Tam Chúc, Phát Diệm có thể hình thành vành đai du lịch nông nghiệp-sinh thái-làng nghề, kết hợp farmstay, homestay với trải nghiệm nông nghiệp sạch. Trong khi đó, khu vực đồi núi như Nho Quan, Thanh Liêm phù hợp để phát triển mô hình nông lâm kết hợp, cây dược liệu, kinh tế dưới tán rừng hay chăn nuôi bán tự nhiên. Việc phân vùng này không chỉ để chỉ đạo sản xuất mà còn để tổ chức lại không gian kinh tế nông thôn, xác định cơ chế phân bổ ngân sách, đầu tư công và dịch vụ công. Ông Luân cũng lưu ý, việc quy hoạch và phân vùng không nhất thiết phải tách bạch giữa nông thôn và đô thị, mà cần tính đến các cấu trúc phát triển “làng trong phố, phố trong làng”, “trung tâm vệ tinh” và mô hình “nông thôn hòa hợp với đô thị”.
Nông thôn phải trở thành hệ sinh thái sống động kết hợp sản xuất, văn hóa, môi trường và công nghệ. Chính sách cần hướng tới thúc đẩy kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, du lịch trải nghiệm, giáo dục ngoài trời, công nghệ số trong thương mại nông sản và logistics nông thôn. Cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ startup nông nghiệp và thế hệ trẻ khởi nghiệp tại quê hương. Việc phát triển năng lượng tái tạo và mô hình nông nghiệp tuần hoàn cũng cần được lồng ghép. Với những lợi thế sẵn có và các giải pháp đồng bộ từ chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng, tỉnh Ninh Bình mới có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trung tâm nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững của vùng Đồng bằng Sông Hồng, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và phát triển kinh tế chung của đất nước.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nong-nghiep-don-van-hoi-moi-711349.htm
Bình luận (0)