Nhiều lợi ích từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là một trong những hộ nông dân đang đầu tư phát triển nuôi sâu canxi. Sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen, đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác, vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi cho sự phát triển của vật nuôi.
Ông Hùng cho biết, tháng 6/2023, trong buổi tập huấn tại UBND xã do Hội Nông dân thành phố tổ chức, ông được giới thiệu mô hình nuôi sâu canxi. Nhận thấy lợi ích kép của việc nuôi sâu canxi vừa tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường vừa là nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm nên ông đã theo đuổi mô hình này.
Nuôi sâu canxi giúp ông Hùng giảm khoảng 80% chi phí mua thức ăn cho gia cầm. Ảnh: Lan Anh
Hiện nay với diện tích nuôi sâu canxi khoảng 50m2, khu nuôi, nhân giống sâu canxi và tái đàn ruồi lính đen của ông Hùng được thực hiện với hình thức khép kín. Theo ông Hùng, đầu tư sâu canxi không đòi hỏi nhiều về cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư nhỏ, không cần nhiều diện tích đất nhưng cần phải bảo đảm nguồn thức ăn đầy đủ cho sâu.
Trung bình 10gram trứng sẽ thu được 30 kg sâu canxi với thời gian nuôi khoảng 12 ngày; mỗi năm nuôi khoảng 1kg trứng thì thu được 2,5-3 tấn sâu canxi. Giá bán với 10gram trứng là 40.000 đồng, 1kg sâu canxi là 25.000 đồng; qua đó mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“Gia đình tôi có nuôi gà và vịt với số lượng lớn. Nếu trước đây tốn nhiều chi phí về thức ăn thì từ khi nuôi sâu canxi, tôi thấy vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, chất lượng thịt thơm, ngon hơn, nhất là giúp giảm 80% chi phí thức ăn chăn nuôi. Đây là mô hình có thể sản xuất với số lượng lớn trong điều kiện không gian hẹp. Tôi cũng đang hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho hội viên nông dân tại các xã trên địa bàn huyện và Quảng Nam”, ông Hùng nói.
Sâu canxi là nguồn thức ăn chủ yếu của đàn gà hơn 100 con của gia đình ông Hùng. Ảnh: Lan Anh.
Đối với mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Hòa Liên, ông Nguyễn Văn Bích, thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên đã mạnh dạn cải tạo chuồng trại, nâng nền, làm mái thoáng và sử dụng vỏ trấu để tạo đệm lót. Nhờ đó, trang trại luôn sạch sẽ, giảm mùi hôi, tiết kiệm công dọn dẹp và hạn chế dịch bệnh. Đàn gà hơn 100 con của ông phát triển tốt, mỗi năm xuất bán hai lứa, giá từ 90.000 – 110.000 đồng/kg.
Hướng đến nông nghiệp xanh, phát triển bền vững
Theo Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, đây là 2 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được chọn, nằm trong chương trình dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, giai đoạn 2021-2024.
Hội đã triển khai chương trình tập huấn cho hơn 100 hội viên nông dân của 5 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang gồm: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Khương và Hòa Liên. Đa phần, các hội viên đều rất hứng thú bởi hiệu quả của mô hình.
Sau 2 năm triển khai, hàng trăm mô hình đã được xây dựng và nhân rộng như “Mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi”; “Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày”, “Mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng”; “Mô hình nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế”.
Qua triển khai, Dự án đã tạo nền tảng, kiến thức và kỹ năng thiết thực về bảo vệ môi trường sinh thái cho người nông dân. Đồng thời, nông dân khi áp dụng kỹ thuật của dự án đã giảm được khoảng 40% chi phí đầu vào (thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc phòng trị bệnh) so với trước đây. Năng suất của cây trồng, vật nuôi cũng tăng cao, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con.
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Hướng dẫn nông dân xã Hòa Liên nuôi trùn quế. Ảnh: Lan Anh
Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù còn mới mẻ, song các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang dần được nông dân tiếp thu và thực hiện hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế. Thông qua quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học… các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành nguyên liệu đầu vào cho mô hình sản xuất nông nghiệp khác; từ đó, giảm nguồn nguyên liệu đầu vào, gia tăng giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.
“Mô hình này vừa gia tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa bảo vệ môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại các xã còn lại của huyện Hòa Vang, góp phần đưa Đà Nẵng đến gần với mục tiêu tăng trưởng xanh”, ông Dũng khẳng định.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/nong-nghiep-tuan-hoan-da-ben-re-o-da-nang-d746563.html
Bình luận (0)