Cơ chế giám sát hợp đồng chưa đủ chặt
Liên quan đến bài viết "Lùm xùm chuyện mua lúa trong mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha" mà Báo Nông nghiệp và Môi trường đã phản ánh ngày 26/3, ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ - đơn vị phối hợp triển khai mô hình thí điểm tại HTX nông nghiệp Tiến Thuận (ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) nhìn nhận: “Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự chặt chẽ. Thực tế quy mô thành viên và diện tích canh tác của các HTX hiện còn rất nhỏ. Điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh lại cách tiếp cận với nông dân thông qua HTX. Cần có những hợp đồng kinh tế đủ mạnh về pháp lý để bảo đảm quyền lợi và buộc các bên phải thu thủ theo cam kết”.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ chia sẻ về giải pháp giải quyết vấn đề liên kết thu mua lúa. Ảnh: Kim Anh.
Vấn đề mấu chốt không chỉ nằm ở sự thiếu cam kết từ doanh nghiệp hay HTX mà còn ở cơ chế giám sát hợp đồng chưa đủ chặt chẽ. Bởi lẽ, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đặt ra nhiều kỳ vọng về một nền sản xuất minh bạch, bền vững và có đầu ra ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, cần có những biện pháp quản lý sát sao hơn, đảm bảo mỗi hợp đồng liên kết thực sự là một cam kết hai chiều có giá trị thực tế, không chỉ là những văn bản mang tính hình thức.
Nhìn từ vụ việc liên kết giữa HTX Tiến Thuận và Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật có thể thấy rằng, mô hình liên kết giữa HTX – doanh nghiệp chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Theo ông Nghiêm, nếu các bên tuân thủ nghiêm hợp đồng đã ký kết, ngay khi lúa chín, nếu doanh nghiệp liên kết không thu mua khiến HTX không bán được lúa, vấn đề chắc chắn đã được phát hiện và xử lý, không dẫn đến “lùm xùm”.
Từ vụ việc này, ông Nghiêm cho rằng đây không phải là sự cố nghiêm trọng nhưng là bài học kinh nghiệm trong công tác truyền thông và khâu tổ chức khi thực hiện mô hình thí điểm. Điều này đặt ra yêu cầu phải giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện hợp đồng liên kết để tránh những bất cập tương tự trong tương lai.
Việc tuân thủ nghiêm hợp đồng liên kết thu mua lúa sẽ đảm bảo tính minh bạch và bền vững cho ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.
“Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có quy mô lớn cả về diện tích và số lượng nông hộ tham gia. Do đó, sự chặt chẽ trong hợp đồng kinh tế và trách nhiệm của các bên liên quan là điều kiện tiên quyết để mô hình đạt được thành công như kỳ vọng” ông Nghiêm nhấn mạnh.
Hợp đồng điện tử sẽ minh bạch hóa chuỗi liên kết
Hiện nay, đối với các mô hình mở rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, lãnh đạo phụ trách lĩnh vực trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ đã trực tiếp xuống tận vùng nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp với HTX để đảm bảo việc thu mua diễn ra thuận lợi.
Đặc biệt, một giải pháp quan trọng đang được Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ tập trung triển khai là ứng dụng công nghệ số để phát triển nền tảng hợp đồng điện tử.
Ông Nghiêm kỳ vọng, hợp đồng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện ký kết trực tiếp với nông dân thay vì thông qua HTX như trước đây. Hợp đồng điện tử cũng quy định chi tiết về phương thức liên kết đi kèm với các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các bên.
Như ngay từ đầu vụ, doanh nghiệp và bà con nông dân sẽ ký hợp đồng điện tử. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm giới thiệu các đơn vị cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín; đảm bảo thu mua lúa cho nông dân vào cuối vụ theo phương thức chốt giá cố định hoặc thỏa thuận giá cả.
Ngược lại, nông dân sẽ nhận đúng số lượng vật tư với giá cụ thể và cam kết sản xuất theo quy trình mà doanh nghiệp đề ra. Đồng thời, cuối vụ phải phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện việc thu mua.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ kỳ vọng và đặt nhiều tâm huyết phát triển nền tảng hợp đồng điện tử để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong liên kết thu mua lúa. Ảnh: Kim Anh.
Một điểm đáng chú ý là cơ chế chia sẻ rủi ro trong hợp đồng. Nếu hai bên lựa chọn phương án chốt giá cố định, hợp đồng “đẹp”, chốt giá thế nào sẽ thu mua đúng giá đó. Nếu giá lúa tăng, doanh nghiệp cam kết trả thêm 250 đồng/kg cho nông dân. Trường hợp giá lúa giảm, nông dân thuận tình giảm 250 đồng/kg để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua.
Cơ chế này đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, tránh tình trạng “lời ăn, lỗ chịu” chỉ một phía.
Việc áp dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp minh bạch hóa quá trình liên kết mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc. Nếu bất kỳ bên nào không tuân thủ hợp đồng, sẽ có cơ chế xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng sẽ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc thực thi hợp đồng để tránh các lùm xùm phát sinh.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/can-tho-len-tieng-ve-lum-xum-lien-ket-thu-mua-lua-d746337.html
Bình luận (0)