Cửa Thượng Tứ hôm nay - “Nhân chứng” lịch sử ngày ấy. Ảnh: Bảo Minh |
Chiến dịch giải phóng Trị Thiên Huế bắt đầu từ ngày 8/3/1975 và kết thúc vào ngày 26/3/1975. Ở cánh Bắc thành phố Huế từ tuyến hành lang chủ yếu, trận mở màn ngày 8/3/1975. Nhiệm vụ của Đại đội 5, Tiểu đoàn 10 là đánh vào Chi khu Quân sự của Ngụy tại cây số 9. Trung đội vũ trang của huyện Hương Trà và đội công tác Hương Thái đánh vào Phân Chi khu Hương Chữ, tổ chức mít tinh, phát động quần chúng nổi dậy, hỗ trợ phía sau cho lực lượng đánh chi khu. Biệt động Thành đánh vào Phân Chi khu Hương Sơ, cầu An Hòa và bót cảnh sát An Hòa. Đội công tác xã Hương Bình đánh vào chợ Thông, hỗ trợ cho biệt động thành.
Đội hình hành quân vượt qua hói An Lưu thì bị địch phục kích. Trận phản phục kích diễn ra rất ác liệt, địch bỏ chạy, các đơn vị vượt lên, tiến về mục tiêu đã định, lại gặp địch phục kích ở ngoài ruộng, đầu làng Bồn Phổ và Cổ Bưu nên lực lượng ta bị tổn thất nặng. Kế hoạch đánh vào Chi khu Hương Trà, Phân Chi khu Hương Sơ, cầu An Hòa không thực hiện được.
Sau đó, phát huy thắng lợi của trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, quân ta đánh chiếm thành phố Ban Mê Thuột. Lực lượng vũ trang, các đội công tác xã đã tiến hành đồng loạt, tổ chức các đợt tập kích vào các phân chi khu, vũ trang tuyên truyền, động viên cơ sở, cốt cán, tuyên truyền, vận động anh em binh lính ngụy đào bỏ ngũ, khống chế vô hiệu bộ máy chính quyền ở các thôn, ấp và các xã.
Trong những ngày sau đó, với bản chất ngoan cố, quyết ngăn chặn các mũi tiến công của ta về đồng bằng, địch tăng cường chốt chặn. Đêm nào các đội công tác, các mũi tiến công cũng gặp địch phục kích, vấp mìn, hy sinh và bị thương khá nhiều. Nhưng các lực lượng vũ trang của huyện, đơn vị biệt động thành phố đã thể hiện quyết tâm rất cao, tổ chức nhiều trận đánh ở giáp ranh và vùng ven thành phố, tiêu diệt nhiều tên địch, đánh vỡ một số chốt chặn. Đặc biệt là đã đánh tan tuyến phòng thủ của địch ở Đồi 365 qua dốc Dẻ, mở ra tuyến hành lang thông suốt để đón đại quân từ Trò Trái và đường 12 về Khe Điêng ra các cửa rừng.
Đợt 2 chiến dịch giải phóng quê hương tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, trong khí thế và tình hình có nhiều thuận lợi.
Ngày 22/3/1975, mũi tấn công chủ yếu gồm lực lượng vũ trang của huyện đội, Đại đội 12 của tỉnh tăng cường, một tiểu đoàn của Trung đoàn 4 phối hợp. Các đồng chí: Nguyễn Hường Thọ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Trà, Chỉ huy; Ba Con, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, Phó Chỉ huy, hành quân từ Khe Trái về Khe Điêng ra cửa rừng Hương Thạnh về giải phóng các xã dưới đường quốc lộ và nam Quảng Điền. Trên đường hành quân gặp địch ngăn chặn không về được, tiểu đoàn tăng cường và một bộ phận của Quảng Điền quay về Phong Điền tiến quân theo hướng bắc sông Bồ.
Tiếp đó, tình hình rất khẩn trương, đồng chí Nguyễn Hường Thọ và cán bộ của huyện phải đạp đường về Khe Điêng vượt qua tuyến chốt chặn 365 - dốc Dẻ về nơi dừng chân của Hương Thái, Hương Thạnh, Hương Vân, Hương Bình, Hương Hồ, Hương Mai và đơn vị biệt động thành ở cánh Bắc Huế - đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Thái Long, Thành đội phó trực tiếp truyền đạt, quyết tâm của Quân khu, chớp thời cơ giải phóng thành phố Huế trong thời gian sớm nhất.
Trên tinh thần quyết tâm đánh cho được mục tiêu đã định, đêm 21 rạng ngày 22/3/1975, đơn vị biệt động thành phố cánh Bắc đã tiếp cận mục tiêu, tập kích bằng hỏa lực B40, B41, súng cối cá nhân M79 vào Phân Chi khu Hương Sơ, cầu An Hòa, bốt cảnh sát An Hòa, trận đánh thắng lợi giòn giã, gây tiếng vang lớn.
Sau đó một ngày, đêm 23/3/1975, Đại đội 2 và lực lượng vũ trang Hương Trà, Đội công tác Hương Thái và Tổ biệt động phối hợp đã tập kích dũng mãnh bằng hỏa lực B40, B41, DK82 đánh sập nhiều nhà, phá hủy trận địa pháo 105 của địch. Trận đánh thắng lợi, mở toang cánh cửa để đại quân tiến vào giải phóng thành phố Huế. Rất tiếc là trên đường rút lui, gặp địch phục kích ngoài ruộng lúa, địch bắn rất rát vào đội hình, 10 đồng chí hy sinh và bị thương. Đây là sự hy sinh vô cùng oanh liệt - sự hy sinh chỉ còn cách ngày giải phóng 24 tiếng đồng hồ.
Đêm 24/3/1975, từng đoàn quân tiến về theo 3 hướng, biệt động thành về Văn Thánh - Thiên Mụ vào cầu Bạch Hổ, tiến về Huế. Hướng thứ 2 và 3 về các xã Hương Bình, Hương Hồ, Hương Thái, Hương Thạnh, Hương Vân cũng nhanh chóng tiến vào các mục tiêu, hiệp đồng với các lực lượng dưới đường quốc lộ giải phóng hoàn toàn huyện Hương Trà.
Đồng chí Nguyễn Hường Thọ nhanh chóng thành lập Đại đội vũ trang và đặt tên là Đội Biệt động thành cánh Bắc 2 vào chi viện cho mặt trận Huế. Tôi vinh dự đón đơn vị này vào lúc 6 giờ sáng ngày 25/3/1975, tại cửa Thượng Tứ. Chúng tôi ôm nhau vui mừng đến chảy nước mắt - nước mắt hạnh phúc ở thời khắc quê hương được hoàn toàn giải phóng.
(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (nay là Thành ủy Huế), nguyên Chính trị viên Biệt động thành cánh Bắc Huế)
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nuoc-mat-hanh-phuc-trong-thoi-khac-que-huong-giai-phong-153104.html
Bình luận (0)