Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã ký loạt sắc lệnh, chỉ thị hành pháp nhằm đẩy nhanh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả những thiết kế vốn hứa hẹn tiềm năng triển khai nhanh chóng nhưng vẫn chưa từng được xây dựng tại nước này.
Nỗ lực trên nhằm đáp ứng làn sóng gia tăng nhu cầu điện năng trong tương lai, giúp Mỹ giành lại lợi thế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Dù từng là nước dẫn đầu trong triển khai và sản xuất điện hạt nhân, Mỹ chỉ hoàn thành 2 lò phản ứng mới trong 30 năm qua và đã đóng cửa nhiều nhà máy.
Các sắc lệnh này được Nhà Trắng kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lò phản ứng, mở đường cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ, cải tổ Ủy ban Quản lý Hạt nhân (NRC) và tăng cường khả năng khai thác, làm giàu uranium trong nước.
Phát biểu khi ký ban hành sắc lệnh, chỉ thị tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng ta đang ký những sắc lệnh hành pháp tuyệt vời hôm nay, điều này sẽ biến chúng ta thành cường quốc thực sự trong ngành công nghiệp này". Ông khẳng định hiện công nghệ hạt nhân "đã tiến xa, cả về mặt an toàn và chi phí".

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp đã ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 23/5 (Ảnh: Getty Images).
Sáng kiến này là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm khởi động lại ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, vốn đã bị trì trệ trong nhiều thập kỷ qua.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Joe Biden đưa ra kế hoạch tăng gấp 3 công suất hạt nhân của Mỹ vào năm 2050, còn kế hoạch mới ông Trump hướng tới mục tiêu tăng gấp 4 trong bối cảnh các công ty công nghệ đang ráo riết tìm kiếm nguồn điện để cung cấp cho các trung tâm dữ liệu tiêu thụ năng lượng lớn.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump đề ra mục tiêu hoàn tất xây dựng 10 lò phản ứng lớn, truyền thống vào năm 2030. Mục tiêu này có thể mang lại lợi ích cho Westinghouse Electric, công ty có thiết kế lò phản ứng thương mại mới nhất được xây dựng tại Mỹ và được đón nhận trên toàn cầu.
Sáng kiến năng lượng hạt nhân của Trump cũng sẽ khuyến khích sử dụng nguồn tài chính từ chính phủ để hỗ trợ việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân đã bị đóng cửa, nâng cấp tổng cộng 5 GW tại các địa điểm hiện có và thúc đẩy hoàn thành các dự án đang dang dở.
Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, sắc lệnh đầu tiên nhằm tăng tốc quá trình thử nghiệm lò phản ứng tại các phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Bộ Năng lượng (DOE). Lệnh này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp phép, cho phép triển khai một chương trình thử nghiệm xây dựng trong vòng 2 năm tới.
Sắc lệnh thứ hai tạo điều kiện cho DOE và Bộ Quốc phòng xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên đất liên bang. Theo Nhà Trắng, mục tiêu là cung cấp nguồn năng lượng an toàn, ổn định cho các cơ sở quốc phòng và trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhấn mạnh: "Việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ và tiên tiến tại các căn cứ trong nước và trên toàn cầu là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu có biến động xảy ra trên thế giới, quân đội Mỹ vẫn sẽ duy trì được năng lực hoạt động".
Sắc lệnh thứ ba yêu cầu NRC - cơ quan liên bang chịu trách nhiệm cấp phép lò phản ứng - phải đưa ra quyết định trong vòng 18 tháng. Theo văn bản công bố sau đó, Nhà Trắng cho rằng NRC hiện "không còn phù hợp với sứ mệnh do Quốc hội giao phó" và cần tái tổ chức để thúc đẩy nhanh quy trình cấp phép và ứng dụng công nghệ mới.
Sắc lệnh cũng chỉ đạo NRC phối hợp với Bộ Hiệu quả Chính phủ để xây dựng lại cơ cấu tổ chức, ưu tiên tăng cường lực lượng nhân sự trong các bộ phận liên quan đến cấp phép lò phản ứng mới, đồng thời thực hiện cắt giảm nhân sự tại các bộ phận không còn phù hợp.
"Tổng thống Trump cam kết theo đuổi chính sách thống trị năng lượng. Điều đó không chỉ giúp Mỹ dẫn đầu toàn cầu, mà còn là điều kiện then chốt để giành chiến thắng trong cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc", ông Doug Burgum, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, khẳng định với báo chí.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ong-trump-khoi-phuc-suc-manh-hat-nhan-my-chinh-thuc-tro-lai-duong-dua-20250526172415358.htm
Bình luận (0)