Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát hiện mới: Bệnh mất trí nhớ liên quan đến bệnh tiểu đường và herpes

Lâu nay, các cục protein trong não vẫn được cho là có liên quan đến bệnh Alzheimer, nhưng các nguyên nhân tiềm ẩn khác của tình trạng này hiện đang được theo dõi.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế11/04/2025


Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua kể từ khi bác sĩ thần kinh người Đức Alois Alzheimer phát hiện ra những cục protein bất thường gọi là amyloid trong não của một bệnh nhân đã chết vào năm 1906, giả thuyết về amyloid đã thống trị suy nghĩ của chúng ta khi nói tới bệnh Alzheimer.

Hiện nay, chúng được mọi người nhắc đến với tên gọi là mảng bám amyloid, cùng với các đám rối sợi thần kinh hay còn gọi là đám rối “tau” - sự tích tụ của protein tau bên trong tế bào thần kinh - là những đặc điểm chính của bệnh Alzheimer.

Sự xuất hiện của chúng có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền dẫn đến các triệu chứng mà chúng ta liên tưởng đến chứng mất trí .

Một số người có mảng bám amyloid và đám rối tau liên quan đến bệnh Alzheimer nhưng không bao giờ mắc chứng mất trí. Minh họa: Shutterstock

Một số người có mảng bám amyloid và đám rối tau liên quan đến bệnh Alzheimer nhưng không bao giờ mắc chứng mất trí. Minh họa: Shutterstock

Một số người có mảng bám amyloid và đám rối tau liên quan đến bệnh Alzheimer nhưng không bao giờ mắc chứng mất trí. Minh họa: Shutterstock

Nhưng việc có các chất lắng đọng amyloid trong não không phải lúc nào cũng dẫn đến chứng mất trí. Một số người biểu hiện các mảng amyloid và rối loạn tau nhưng không bao giờ phát triển các triệu chứng đặc trưng của chứng mất trí.

Điều này thường được giải thích bằng khả năng dự trữ nhận thức của bệnh nhân – khả năng chống lại tổn thương của não, chúng ta có thể xây dựng khả năng này bằng cách duy trì não hoạt động và thông qua tương tác xã hội liên tục khi chúng ta già đi.

Một bài báo năm 2006 của Đại học Minnesota tại Hoa Kỳ, được công bố trên tạp chí Nature và sau này trở thành một trong những bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực Alzheimer, dường như đã chứng minh chính amyloid là nguyên nhân gây mất trí nhớ và suy giảm nhận thức liên quan đến chứng mất trí.

Tuy nhiên, vào năm 2022, những hình ảnh chính được sử dụng trong bài báo đó được cho là đã được chỉnh sửa để phù hợp hơn với kết luận của các nhà khoa học và tác phẩm này đã bị thu hồi.

Vụ việc này đã khiến nhà báo điều tra và tác giả người Mỹ Charles Piller nghi ngờ về giả thuyết về amyloid trong cuốn sách gần đây của ông, Doctored: Fraud, Arrogance, and Tragedy in the Quest to Cure Alzheimer’s .

Piller cho biết: “Lúc đầu, tôi rất sửng sốt khi một thí nghiệm từng rất quan trọng trong việc ủng hộ giả thuyết về amyloid lại dựa trên những hình ảnh và hành vi sai trái rõ ràng đã bị làm giả”, đồng thời lưu ý trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, một số ít người sẽ cắt xén hoặc thậm chí gian lận để trục lợi cá nhân.

“Mặc dù việc chỉnh sửa hình ảnh trong nghiên cứu bệnh Alzheimer chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể công trình nghiên cứu, nhưng nó vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc làm sai lệch ý tưởng và làm chậm tiến độ.”

Piller cho biết điều đó không có nghĩa là các amyloid không liên quan gì đến bệnh Alzheimer, nhưng có những cơ chế khác đang diễn ra mà có thể chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo Piller, "Có nhiều ý tưởng về nguyên nhân hoặc ảnh hưởng của bệnh Alzheimer ngoài protein amyloid". Trước hết, có rất nhiều công trình nghiên cứu thú vị đang được tiến hành liên quan đến những lợi ích có thể có của một nhóm thuốc gọi là chất chủ vận GLP-1, bao gồm các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra có thể cung cấp những kết quả quan trọng. Các chất chủ vận GLP-1 bao gồm semaglutide – thành phần cơ bản của thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy. Chúng bắt chước hoạt động của hormone GLP-1 giúp điều chỉnh lượng insulin và lượng đường trong máu trong cơ thể. Chúng cũng có thể xuyên qua hàng rào máu não và có thể hỗ trợ loại bỏ các protein độc hại. Thuốc GLP-1 cũng có đặc tính chống viêm và bảo vệ thần kinh và khả năng cân bằng insulin trong cơ thể – đây là điều quan trọng: những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nhiều – hơn 50% – so với những người không mắc bệnh tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu về bệnh Alzheimer ngày càng chỉ ra tình trạng kháng insulin ở não là một yếu tố nguy cơ gây bệnh, và điều đó giải thích tại sao đôi khi nó còn được gọi là bệnh tiểu đường loại 3.

Giáo sư Daniel Drucker thuộc Đại học Toronto ở Ontario, Canada, đã tiến hành những nghiên cứu quan trọng về thuốc GLP-1 và tác động của nó lên các cơ quan của cơ thể người bao gồm cả não. Ông cho biết thuốc GLP-1 “cải thiện lưu lượng máu, giảm viêm não, cải thiện sức khỏe của tế bào não, tăng cường hàng rào máu não bảo vệ não và cũng [tăng] khả năng kết nối và giao tiếp giữa các tế bào não”.

Theo vị giáo sư này, có bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các bệnh nhiễm trùng có thể nằm im trong cơ thể con người trong nhiều năm, chẳng hạn như virus herpes simplex (HSV) loại 1, có thể là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của bệnh Alzheimer sau này.

Có tám loại virus herpes gây bệnh cho người, tất cả đều có thể tiềm ẩn trong cơ thể suốt đời sau khi một người bị nhiễm. HSV-1 là loại có liên quan mạnh mẽ nhất đến bệnh Alzheimer.

Theo bà Ruth Itzhaki, giáo sư danh dự của Khoa thần kinh tại Đại học Manchester ở Anh, “Ý tưởng về một tác nhân truyền nhiễm – HSV-1 – trong cái gọi là não vô trùng thật đáng kinh ngạc và khả năng nó đóng vai trò chính trong bệnh Alzheimer thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn”.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết có bằng chứng cho thấy HSV-1 hiện diện ở tỷ lệ cao trong não của người cao tuổi và nó khiến họ dễ mắc chứng mất trí như thế nào. Bà cho biết có lẽ nó thường nằm im trong não bộ trong hầu hết thời gian. “Nhưng [nó] có thể tái hoạt động thông qua tình trạng viêm não, có thể là do những yếu tố như căng thẳng, tia UV, sốt, chấn thương não, tình trạng viêm” – tương tự như những tác nhân gây căng thẳng có thể gây bùng phát mụn rộp do cùng một loại virus gây ra. Sau đó, virus sẽ sinh sôi và lây lan, gây tổn thương và viêm nhiễm, tạo nên một vòng luẩn quẩn.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất trí. Trong trường hợp không có cách chữa trị, chúng ta cần hiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh và cố gắng hết sức để kiểm soát hoặc giảm thiểu chúng.


Nguồn: https://baoquocte.vn/phat-hien-moi-benh-mat-tri-nho-lien-quan-den-benh-tieu-duong-va-herpes-310736.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm