Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng theo truyền thống văn hóa dân tộc tại Đình Lạc Giao (TP. Buôn Ma Thuột) vào ngày 10/3 âm lịch vừa qua thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Phần lễ có nghi thức thành kính dâng hương, hoa, sản vật quê hương của chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ở Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có hoạt động trình diễn gói bánh chưng, giã bánh giầy, thể hiện sự đoàn kết, tưởng nhớ đến các lễ vật dâng lên các Vua Hùng năm xưa. Buổi trình diễn đã thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham dự, đặc biệt là các bạn trẻ. Sự giao lưu giữa các thế hệ khiến không gian buổi trình diễn thêm phần ấm áp và lan tỏa giá trị truyền thống sâu sắc.
Phần biểu diễn giao lưu văn nghệ tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 tại Đình Lạc Giao. |
Bên cạnh đó, nhân dân và du khách tham quan triển lãm ảnh, xem trình diễn viết thư pháp, nặn tò he, trưng bày giới thiệu ẩm thực truyền thống, thưởng thức biểu diễn hát chèo, quan họ và chương trình biểu diễn cồng chiêng, âm nhạc đường phố. Bà Lại Thị Thế (TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: "Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức rất hoành tráng, nhiều hoạt động, mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho chúng tôi".
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban tổ chức các hoạt động văn hóa tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao cho biết, hằng năm, UBND tỉnh đều chọn Đình Lạc Giao là nơi tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng về cội nguồn, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, qua đó góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Nhờ đó, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Tại các lễ hội, vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo ngày càng được nâng cao đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.
Lễ hội Hảng Pồ, xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) thường tổ chức vào cuối tháng Giêng, bắt đầu của lễ hội cũng bằng phần lễ trang trọng với các nghi thức cúng tế thần linh, trời đất, cầu mong năm mới an lành. Đây là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, các bô lão dâng lễ vật gồm rượu, xôi, thịt gà, hoa quả để bày tỏ lòng thành kính…
Trong các lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh như Lễ hội Hảng Pồ, xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ); Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột); Ngày hội văn hóa dân tộc H'Mông, xã Cư Pui (huyện Krông Bông); Lễ hội Khai hạ của người Mường, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột); Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc, xã Ea Tam (huyện Krông Năng)... cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn.
Người dân vui chơi tại Lễ hội Hảng Pồ xã Ea Siên năm 2025. |
Những người dân bước lên sân khấu, thể hiện những tiết mục văn hóa đặc sắc của dân tộc mình bằng cả trái tim như điệu múa xòe của người Thái, làn điệu hát then, hát lượn hòa vào tiếng đàn tính của người Tày, Nùng; thanh thiếu niên các thôn, buôn lập thành đội thi đấu các trò chơi dân gian. Anh Nguyễn Văn Tân (xã Dliêya, huyện Krông Năng), một nghệ nhân đàn tính, hát then tâm tình: “Cứ mỗi dịp lễ hội là tôi và người bạn đời của mình lại sắp xếp thời gian để tham gia, bởi nhân dịp này chúng tôi có cơ hội được thể hiện nghệ thuật dân gian hát then của dân tộc; đồng thời cũng được tìm hiểu và biết thêm nhiều văn hóa khác…”.
Theo đánh giá của ngành văn hóa, các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đã trở thành nơi hội tụ và giao thoa văn hóa, các phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc trong và ngoài địa phương; qua đó, góp phần lưu truyền, phát huy giá trị tốt đẹp văn hóa các dân tộc ngày càng phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Hảng Pồ của người Tày – Nùng, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Lễ hội Hảng Pồ là sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Tày – Nùng tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, thường diễn ra vào cuối tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc; đồng thời, cũng là cơ hội giao lưu văn hóa, kết nối cộng đồng và là "chợ tình" để các đôi nam nữ tìm hiểu, trao duyên. Việc lập hồ sơ được tiến hành trên cơ sở khảo cứu thực tế (điền dã), thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến lễ hội truyền thống theo nội dung hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo kế hoạch, quý 1 năm 2025 tổ chức khảo sát thực địa, kiểm kê, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, thu thập thông tin về di sản; quý 2 năm 2025, biên soạn lý lịch di sản; quý 3 năm 2025 hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý… trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hồ sơ khoa học di sản sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc tổ chức, quản lý và đề ra một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp với đặc trưng của từng di sản. Đến nay, Đắk Lắk đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Khan (Sử thi) của người Êđê (năm 2014); Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk (2022); Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê huyện Cư M’gar (2022); Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tỉnh Đắk Lắk (2024); Nghề làm gốm của người M’nông ở Yang Tao, huyện Lắk (2024); Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk (2025). |
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/phat-huy-gia-tri-van-hoa-qua-cac-le-hoi-91e19bc/
Bình luận (0)