Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy nội lực văn hóa để phát triển

Xứ Quảng giàu truyền thống văn hóa và cá tính đặc trưng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số nhận diện và đề xuất phát huy các giá trị văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh mới.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng11/07/2025

Quảng Nam định hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Đô thị cổ Hội An phát triển mạnh về văn hóa và du lịch. Ảnh: T.L
Cảng thị cổ Hội An biểu hiện cho tinh thần đổi mới của xứ Quảng trong quá khứ. Ảnh: TÂM THƯ

Khơi dậy truyền thống canh tân

PGS-TS. Ngô Văn Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, xứ Quảng cần phát huy truyền thống canh tân đổi mới. “Người xứ Quảng đã hình thành được một truyền thống canh tân đổi mới. Bởi như GS. Ngô Đức Thịnh nhận xét: Xứ Quảng vốn xưa là nơi giao lưu chứ không phải là ứ đọng, tù túng, do vậy con người cởi mở, dễ tiếp thu, học hỏi, chứ không bảo thủ”, PGS-TS. Ngô Văn Minh nhận định.

Do lịch sử hình thành xứ Quảng “ra đời trong và bằng một cuộc đổi mới lớn của dân tộc” nên con người nơi đây “rất nhạy cảm với cái mới. Khao khát cái mới như đất hạn khát mưa... Họ tham gia cái mới, muốn biết ngay lập tức cái mới, tháo mở nó ra, xem xét, khám phá, chiếm lĩnh”.

Tinh thần canh tân đổi mới của các thế hệ con người xứ Quảng thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Từ tìm cách đổi mới công cụ sản xuất, đổi mới phương thức sinh hoạt, trang phục, tổ chức làng xã, đến đổi mới tư duy kinh tế, đặc biệt tư duy kinh tế về thị trường với những hoạt động ngoại thương phát triển mạnh ở Hội An trong các thế kỷ 17-18, về sau là sự năng động trong sản xuất kinh doanh theo phương thức tư bản ở Đà Nẵng từ những năm đầu thế kỷ 20 trở đi.

Xứ Quảng tự hào là quê hương của nhiều nhà Duy tân nổi tiếng cả nước như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật ở thế kỷ 19, bộ ba Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đầu thế kỷ 20 và những đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước của những nhà cách mạng như Võ Chí Công, Hồ Nghinh ở vào 3 thập kỷ cuối của thế kỷ này.

“Tinh thần Duy tân - đổi mới trải qua hàng mấy trăm năm của nhiều thế hệ như vậy đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống rất đáng tự hào của con người xứ Quảng.

Truyền thống canh tân đổi mới của con người xứ Quảng để lại nhiều bài học sâu sắc cho việc khơi dậy và ủng hộ tính năng động sáng tạo, nhạy bén với cái mới tiến bộ trong toàn dân và tính năng động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, ban ngành.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc khích lệ, lắng nghe, tiếp thu những ý tưởng mới, cách làm mới táo bạo, mang tính đột phá; khuyến khích, động viên, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện, môi trường phát huy tính năng động, sáng tạo càng đặt ra một cách bức thiết”, PGS-TS. Ngô Văn Minh nói.

Phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm

PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cũng nhận định rằng: “Nét nổi trội trong truyền thống yêu nước của xứ Quảng từ khi ông cha ta “mang gươm đi mở cõi” cách đây hơn 550 năm đến nay là luôn đi đầu trong việc gánh vác non sông”. Đó là truyền thống đi đầu trong mở cõi (Thoại Ngọc Hầu), đi đầu trong cách mạng dân chủ (Phan Châu Trinh), đi đầu chống Pháp, đi đầu trong chống sưu thuế 1908; đi đầu trong chống Mỹ; đi đầu trong phong trào Thơ mới…

Lễ hội dựng cây nêu của đồng bào vùng cao. Ảnh: T.L
Cần biến các giá trị văn hóa xứ Quảng thành sức mạnh nội sinh để phát triển. Trong ảnh: Lễ hội dựng cây nêu của đồng bào vùng cao. Ảnh: TƯ LIỆU

“Có người cho rằng nguồn gốc của con người xứ Quảng là “đổi mới”, “đi tìm cái mới”, “họ là con đẻ của sự thay đổi”… Nói đúng hơn họ là những người nhạy bén cái mới, có gan làm cái mới và đề xuất cái mới hay nói như một số nhà nghiên cứu là họ có truyền thống “phá cách”, “phá kiểu”, “phá lệ”, “phá luận” để tìm ra những giá trị mới trên cơ sở kế thừa những cái đã có”, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn nói.

Thời kỳ đổi mới, trong chừng mực nhất định, xứ Quảng ít nhiều cũng đã tiên phong đề xuất cái mới và thực hiện cái mới trong phát triển kinh tế - xã hội được nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cả nước biết đến và ghi nhận.

“Trong bối cảnh sáp nhập hiện nay, người xứ Quảng cần phát huy tinh thần nhạy bén, dám nghĩ dám làm để đưa Đà Nẵng thành công tiến vào kỷ nguyên mới”, PGS-TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Còn TS. Lê Văn Liêm, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, một trong những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc con người xứ Quảng là tinh thần nghĩa tình và lòng hiếu khách. Khách đến nhà luôn được tiếp đón nồng hậu, chân thành. Đặc biệt, trong các làng nghề truyền thống, du khách không chỉ được tham quan mà còn được chia sẻ câu chuyện về nghề, về người. Tinh thần này tạo nên sự gắn kết bền chặt trong cộng đồng, đồng thời làm nên nét đẹp văn hóa riêng của vùng đất xứ Quảng.

“Trong thời đại hội nhập, việc gìn giữ và phát huy giá trị nghĩa tình, hiếu khách không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo nên sức hút đối với du khách, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - TS. Lê Văn Liêm nhìn nhận.

Nguồn: https://baodanang.vn/phat-huy-noi-luc-van-hoa-de-phat-trien-3265438.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm