Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển chợ truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tri Tôn đã tập trung đầu tư, phát triển mạng lưới chợ truyền thống, đặc biệt ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống. Việc phát triển chợ ở miền núi và vùng đồng bào DTTS không chỉ giúp đẩy mạnh giao thương, mà còn lan tỏa nét văn hóa vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân…

Báo An GiangBáo An Giang26/05/2025

Các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Tri Tôn là kênh mua sắm chính của người địa phương

Tri Tôn là huyện miền núi, có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chiếm khoảng 33% dân số toàn huyện. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn với 12 chợ ở 11 xã, còn 4 xã chưa có chợ, như: An Tức, Núi Tô, Lê Trì và Vĩnh Phước. Các chợ trong huyện được phân loại chợ hạng 3. Hầu hết các chợ đều là chợ truyền thống lâu đời, kinh doanh chủ yếu các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu  trao đổi mua bán, sinh hoạt của người dân địa phương.

Tại trung tâm thị trấn Ba Chúc, chợ Ba Chúc được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, tổng diện tích 830m2. Chợ được phân bố thành 9 khu vực kinh doanh; 1 khu vực trông giữ xe. Chợ có 236 lô và hộ kinh doanh, trong đó 32 lô tạp hóa, 44 lô bách hóa; 160 hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm, nông sản và khoảng 50 hộ kinh doanh không thường xuyên được bố trí, sắp xếp tại khu vực bán kiên cố. Sản phẩm bày bán trong chợ đều có bao bì, nhãn mác đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Đa phần hộ kinh doanh cố định tại chợ có biển hiệu ghi tên mặt hàng kinh doanh, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Toàn bộ khu vực chợ được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật; các trang thiết bị phục vụ kinh doanh của tiểu thương. Đáng chú ý, khu bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín được bố trí riêng biệt, tránh tình trạng vương vãi, dính vào đồ chín hoặc các đồ khô, gây mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khu vực kinh doanh hay lối đi xung quanh quầy hàng đều được vệ sinh sạch sẽ. Hệ thống điện, phòng cháy, chữa cháy cơ bản được đảm bảo... Là một trong những hộ kinh doanh lâu năm tại chợ Ba Chúc, ông Nguyễn Văn Mai cho biết, thời gian gần đây, chợ được ngành chức năng quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Tình trạng trộm cắp, gây rối mất an ninh trật tự không còn xảy ra…

Các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Tri Tôn là kênh mua sắm, trao đổi hàng hóa chính của người dân địa phương. Anh Chau Danh (xã Ô Lâm) cho biết, các sản phẩm kinh doanh tại chợ đều đảm bảo tươi sống, an toàn vệ sinh. Ngoài ra, một vài sản phẩm đồ gia dụng, hàng may mặc tại chợ có giá thấp hơn khi mua tại siêu thị. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cũng nhiệt tình, thân thiện. “Hầu như ngày nào tôi cũng chở vợ ra chợ để mua sắm thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Chỉ đi mua sắm tại siêu thị khi thật sự cần thiết, khi có đám tiệc, lễ, Tết; hoặc tận dụng thời gian cho con vào đó tham quan, mua sắm…” - anh Chau Danh chia sẻ.

Các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Tri Tôn đều được duy tu sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều khu chợ được hình thành từ rất lâu nên cơ sở vật chất, hệ thống thoát nước… đã xuống cấp. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã rà soát, đề xuất cập nhật, điều chỉnh kịp thời các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, đúng phù hợp với các luật chuyên ngành cho phù hợp…

Nhằm tạo điều kiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, nhất là đồng bào DTTS Khmer được thuận lợi, thời gian tới, huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp quản lý chợ truyền thống trên địa bàn. Trong đó, nâng cấp, cải tạo các chợ Ô Lâm, chợ Châu Lăng; xây mới chợ Lê Trì, chợ Núi Tô, chợ An Tức.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan đơn vị ở các cấp triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ, nhất là các sản phẩm đặc sản địa phương. Hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin; kết hợp tiêu thụ nông sản qua kênh mua bán trực tuyến và trực tiếp để tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi…

MINH ĐỨC

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-cho-truyen-thong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a421370.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm