Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển xanh giúp ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thế giới

ĐBSCL Phát triển xanh là điều kiện tiên quyết để ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường thế giới, bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam29/03/2025

Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha với sản lượng 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước. Xuất khẩu tôm nước lợ mang về 3,856 tỷ USD, tăng 14%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha với sản lượng 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước. Xuất khẩu tôm nước lợ mang về 3,856 tỷ USD, tăng 14%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chiến lược phát triển xanh trong ngành tôm

Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN-MT) vừa phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2025 (VietShrimp 2025) tổ chức hội thảo phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam.

Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, ngành tôm có vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản suốt 2 thập kỷ qua. Hằng năm, con tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD.

Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Đặc biệt trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng xanh, sạch. Năm 2022, Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một trong những mục tiêu để đặt ra là nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm: mở rộng mô hình nuôi trồng bền vững, quản lý hiệu quả tất cả nghề cá, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.

Chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn cũng là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản. Xu hướng nuôi trồng và chế biến thủy sản giảm phát thải khí nhà kính giúp các doanh nghiệp đảm bảo chỉ tiêu môi trường phù hợp các chứng nhận quốc tế.

Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang trên đà hướng đến sự phát triển bền vững, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN-MT), cho biết: Tầm quan trọng phát triển xanh trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ là việc áp dụng mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nuôi.

Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha với sản lượng 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước. Xuất khẩu tôm nước lợ mang về 3,856 tỷ USD, tăng 14%, phản ánh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành tôm Việt Nam.

Theo ông Trần Đình Luân, việc thực hiện phát triển xanh là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm tôm Việt Nam. Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, tăng cường áp dụng các công nghệ như Biofloc, Micro-Nano Bubble Oxygen, quy trình nuôi hai giai đoạn, giúp tối ưu hóa dinh dưỡng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm đồng nghĩa giảm sử dụng kháng sinh, tăng cường các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nuôi trồng. Khuyến khích tái chế phụ phẩm từ ngành tôm (vỏ tôm, bùn thải) thành các sản phẩm có giá trị gia tăng như chitin, chitosan, peptide, phân bón hữu cơ.

“Phát triển xanh không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tiên quyết để ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường thế giới. Bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kiểm soát tốt dịch bệnh và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, ngành tôm nước lợ Việt Nam không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn hướng đến một nền sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững”, ông Trần Đình Luân khẳng định.

Chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đáp ứng tốt hơn về quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chuyển dịch theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn là xu thế của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đáp ứng tốt hơn về quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành tôm cần tuân thủ quy định quốc tế

Theo nhận định của ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-MT), ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2025, nhất là các yêu cầu nghiêm ngặt từ thị trường quốc tế.

Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng kháng sinh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đầu tư mạnh vào quy trình nuôi trồng, chế biến và kiểm soát chất lượng. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, nguy cơ bị cấm nhập khẩu hoặc áp thuế cao là rất lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng bền vững đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu tìm kiếm sản phẩm có chứng nhận sinh thái như ASC (Aquaculture Stewardship Council) hay GlobalGAP. Do đó, ngành tôm Việt Nam cần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh, giảm thiểu tác động môi trường để duy trì sức cạnh tranh.

Trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA hay CPTPP. Những hiệp định này không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường mà còn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng đang siết chặt các quy định về chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn, minh bạch trong sản xuất và kinh doanh để tránh rủi ro pháp lý.

Phát triển xanh không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tiên quyết để ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát triển xanh không chỉ là xu hướng mà còn là điều kiện tiên quyết để ngành tôm Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để vượt qua các rào cản này, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh, ngành tôm cần tập trung vào các giải pháp chiến lược như: Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao; Kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu; Khuyến khích mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm rừng; Kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược phù hợp, ngành tôm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường thế giới, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại và xu hướng tiêu dùng bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, ngành tôm đang bước vào một giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế và đạt được chứng nhận ASC, GlobalGAP, BAP.

Cùng với đó, việc sử dụng thức ăn cho tôm đã và đang được cải thiện theo hướng ít phát thải carbon, tăng tính thân thiện với môi trường.

Mục tiêu ngành tôm hướng đến không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn ưu tiên chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Đây chính là chìa khóa để con tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. 

Nguồn: https://nongnghiep.vn/phat-trien-xanh-giup-nganh-tom-viet-nam-duy-tri-vi-the-tren-the-gioi-d745032.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm