Vùng lõi cao nguyên đầy tiềm năng
Phía tây Lâm Đồng nằm trọn trên cao nguyên M’nông, với độ cao trung bình từ 600 - 700 m so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng, với độ cao lên đến 1.982 m.
Đây là vùng có mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp, thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện và bảo đảm an ninh nước cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Với địa hình bằng phẳng và đất đỏ bazan màu mỡ, khu vực này sở hữu lợi thế vượt trội về phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Phía tây Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên trên 650.000 ha, trong đó có hơn 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Với thế mạnh về đất bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi, vùng phía tây có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu. Tại đây đã có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Về công nghiệp, phía tây đang là vùng trọng điểm bô xít của cả nước, với trữ lượng 4,3 tỷ tấn. Khu vực Nhân Cơ đang là trung tâm khai thác và chế biến alumin lớn, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp nhôm Việt Nam.
Phía tây còn có nhiều mỏ đá bazan, đất sét, đá xây dựng… phục vụ công nghiệp vật liệu. Đây chính là nguồn lực đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến sâu một định hướng mũi nhọn của tỉnh.

Tổ hợp alumin Nhân Cơ đã đi vào hoạt động, mở đường cho công nghiệp chế biến sâu nhôm – một ngành công nghiệp có giá trị cao trong chuỗi liên kết nội vùng.
Về du lịch, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á; hồ Tà Đùng hơn 3.000 ha, 47 đảo nhỏ là những điểm đến đặc sắc.
Đây là tiền đề cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh và trải nghiệm học thuật, phù hợp với xu hướng du lịch bền vững đang ngày càng phổ biến.

Trong không gian tỉnh mới mở rộng, phía tây đóng vai trò kết nối trung gian giữa vùng duyên hải, cao nguyên Lâm Đồng và cửa khẩu biên giới Campuchia.
Với đóng góp của khu vực phía tây, Lâm Đồng giờ đây đã hình thành không gian phát triển theo chiều ngang, tạo thành hành lang kinh tế “biên giới – cao nguyên – biển”, giúp tỉnh có đầy đủ yếu tố để tạo nên chuỗi giá trị khép kín.
Các khu công nghiệp alumin và sản xuất nhôm cũng có thể tận dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào từ điện gió và mặt trời ở phía tây để hình thành cụm công nghiệp xanh liên tỉnh.
Về du lịch, tỉnh sẽ có những sản phẩm kết hợp “rừng – núi lửa – biển” hoàn toàn khả thi khi du khách có thể trải nghiệm không gian địa chất độc đáo tại phía tây, sau đó di chuyển xuống Đà Lạt nghỉ dưỡng và ra biển Phan Thiết.
Mắt xích quan trọng trong không gian mới
Trong báo cáo nghiên cứu về phát triển trung tâm kinh tế biển Bình Thuận sau sáp nhập, GS.TS. Mai Trọng Nhuận khẳng định, Lâm Đồng mới có những tiềm năng bổ trợ lẫn nhau.
Đó là biển, cao nguyên nông nghiệp và du lịch, khoáng sản... tạo ra một cơ sở nguồn lực và một vùng kinh tế nội địa rộng lớn. Trong đó, phía tây là phần lõi trung tâm nối cao nguyên với biên giới, đóng vai trò tăng chiều sâu chiến lược của vùng phát triển mới.
Ông Nhuận nhấn mạnh rằng, phía tây Lâm Đồng là đầu mối nội địa cho các chuỗi logistics nông sản – khoáng sản – du lịch, đóng vai trò kết nối ra biển và xuyên biên giới.
Từ góc độ phát triển bền vững và kinh tế xanh, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ đánh giá, phía tây Lâm Đồng có thể trở thành hạt nhân phát triển công nghiệp chế biến alumin và năng lượng xanh, hình thành cụm năng lượng tái tạo – lưu trữ điện – sản xuất hydrogen xanh từ Nhân Cơ đến Bắc Bình – Tuy Phong.
Bên cạnh đó, ông cũng nhìn nhận phía tây là vùng du lịch mới nổi đầy tiềm năng, khi kết hợp giữa địa hình núi lửa, rừng nguyên sinh và bản sắc văn hóa đa dạng, có thể phát triển thành chuỗi sản phẩm “địa chất – sinh thái – bản địa” đặc sắc.

Theo TS. Phạm Hồng Hiển, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, vùng phía tây đủ điều kiện để hình thành các khu nông nghiệp CNC quy mô lớn, tích hợp tưới nhỏ giọt, nhà kính, chuỗi cung ứng lạnh và logistics nội vùng.”
Ông Hiển đánh giá cao vai trò khu vực phía Tây trong liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến và tiêu thụ, đồng thời đề xuất chính sách đầu tư để giải quyết bài toán vốn, hạ tầng và nhân lực.
Còn PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS nhận định, phía Tây là vùng lõi văn hóa bản địa Tây Nguyên, có thể trở thành tâm điểm du lịch văn hóa – địa chất trong mạng lưới công nghiệp văn hóa tỉnh mới.
Di sản hang động núi lửa, rừng nguyên sinh sẽ là điểm nhấn quan trọng trong định hình thương hiệu du lịch xanh – sáng tạo cho Lâm Đồng mở rộng.
Từ những tiềm năng sẵn có và đánh giá khách quan từ các chuyên gia, có thể thấy phía Tây đóng vai trò mắt xích chiến lược trong định hướng phát triển tỉnh Lâm Đồng.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy tối đa các lợi thế này thông qua chính sách đột phá, đầu tư hạ tầng chiến lược, nâng cấp logistics, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với đặc thù địa phương.
Khi đó,phía Tây là điểm tựa cho nội vùng và là trung tâm động lực tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện của toàn tỉnh Lâm Đồng.
Phía Tây Lâm Đồng là vùng Đắk Nông cũ, có diện tích hơn 6.500 km², dân số khoảng 730.000 người. Nơi đây nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nhất là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Khu vực này chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác bô xít, điện năng lượng tái tạo...
Nguồn: https://baolamdong.vn/phia-tay-lam-dong-mat-xich-chien-luoc-trong-khong-gian-moi-290830.html
Bình luận (0)