Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/5, trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhận định khu vực kinh tế tư nhân giống như “chiếc lò xo” đã bị nén lại trong thời gian dài và Nghị quyết 68-NQ/TW như một “cú hích”, giúp “tháo chốt”, để “chiếc lò xo” bung ra, phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, năng lực và dư địa phát triển còn rất lớn, đóng góp một cách xứng đáng vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ07/05/2025

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Thu Sa

Tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó định hướng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo xung lực mới, khí thế mới đưa "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế phát triển bứt phá thời gian tới. Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa đặc biệt của Nghị quyết trong bối cảnh mới hiện nay?

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, tôi cho rằng cần phải nói về bối cảnh ra đời của Nghị quyết. Tại sao lại có Nghị quyết này và ra đời để nhằm giải quyết vấn đề gì?

Như chúng ta đã biết, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã hình thành và phát triển qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn của lịch sử, tương tự như ở các quốc gia khác, cũng khởi nguồn từ những tiểu thương nhỏ, sản xuất nhỏ, buôn bán nhỏ, dần phát triển thành các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, tham gia vào các chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu. Điều này được khẳng định qua các số liệu đóng góp cho nền kinh tế.

Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là giải quyết được hơn 82% lao động trên cả nước. Đây là những con số thể hiện vị trí, vai trò rất lớn và hết sức quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, một số mục tiêu đặt ra vẫn chưa đạt được, đơn cử như đến năm 2025 phải đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp, nhưng đến năm 2024 mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Bên cạnh vấn đề số lượng, chất lượng cũng chưa đảm bảo. Quy mô, tiềm lực, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế về công nghệ, đổi mới sáng tạo, vốn và nhân lực đều rất hạn chế. Chúng ta chưa có các tập đoàn lớn mang tính dẫn dắt nền kinh tế, chưa có doanh nghiệp lọt vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tỉ lệ doanh nghiệp thành lập nhưng sau đó rút lui khỏi thị trường trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới còn rất cao, cao hơn các nước khác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 2.

Tỉ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của nước ta cũng thấp hơn Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Chúng ta chỉ ngang bằng với Philippines, khoảng 9,4 doanh nghiệp trên 1.000 dân, cho thấy về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng. Ở các nước, khu vực này thường đóng góp khoảng 60%, thậm chí 80% đến 90% GDP cả nước. Dĩ nhiên, có quốc gia tính cả FDI vào khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như ở Việt Nam tính cả FDI thì cũng chỉ đạt xấp xỉ 70% GDP, còn nếu loại FDI thì chỉ khoảng 50%. Như vậy, đóng góp về GDP, ngân sách, giải quyết lao động của khu vưc này đều thấp hơn so với các nước.

Những khó khăn, rào cản đến từ nhiều nguyên nhân. Dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách, nhưng có thể một số chính sách chưa thực sự trúng, chưa đúng và chưa đủ mạnh; hoặc khâu tổ chức thực hiện cũng chưa tốt.

Lần đầu tiên, chúng ta mạnh dạn nhận ra thiếu sót khi đã quan tâm nhưng chưa thực sự đúng mức; nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, chưa đủ sức lan toả; doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự xoay xở, gặp khó khăn trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tiếp cận các nguồn lực của đất nước như đất đai, vốn, lao động, dữ liệu...

Hệ thống thể chế còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn rườm rà, chi phí tuân thủ cao, công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng nề, định kiến, thành kiến với khu vực doanh nghiệp tư nhân khiến niềm tin bị thu hẹp, doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dù năng lực, nguồn lực còn rất lớn. Vai trò, tiềm năng, nội lực của khu vực này chưa được phát huy tương xứng.

Bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi các nước phải tái cấu trúc nền kinh tế. Ở trong nước, sau 40 năm đổi mới, chúng ta đạt nhiều thành tựu lớn, song cũng đứng trước yêu cầu mới, phải phát triển nhanh, bền vững hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước; đạt mục tiêu phát triển của kỷ nguyên mới, hướng đến hai mục tiêu 100 năm (năm 2030 – kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 2045 – 100 năm thành lập nước). Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải huy động, giải phóng sức sản xuất, tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của các thành phần kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 3.

Xuất phát từ những vấn đề kể trên, Bộ Chính trị chủ trương ban hành một Nghị quyết mới. Trước đây, Trung ương đã có Nghị quyết số 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, nhưng lần này, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết để tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới.

Mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm, loại bỏ các rào cản đang tồn tại, để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển một cách lành mạnh, mạnh mẽ hơn và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo, do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban, thể hiện sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ. Ban Chỉ đạo đã hoạt động với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, chuyên nghiệp, hoàn thành Nghị quyết với chất lượng cao trong thời gian ngắn.

Quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách có sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp từ Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, chuyên gia, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Chỉ trong gần 02 tháng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã được hoàn thiện, ban hành kịp thời và nhận được đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 4.

Hàng loạt quy định cụ thể, đột phá, thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ

Theo nhận định của Phó Thủ tướng, những nội dung mang tính đột phá nhất, nổi bật nhất trong Nghị quyết lần này là gì ạ?

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Điểm nổi bật của Nghị quyết này trước hết là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, Nghị quyết đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Chúng ta đã nhìn nhận và khẳng định đúng vai trò của khu vực này, dựa trên những đóng góp thực tiễn và vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí xứng đáng. Đây là một thay đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tiếp theo, chúng ta cũng mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Những quyền này thực chất đã được ghi nhận trong Hiến pháp, ví dụ như quy định người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại không ít rào cản, gây hạn chế quyền tự do này của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 5.

Trong Nghị quyết mới, Bộ Chính trị đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh, được hưởng sự bình đẳng trong môi trường cạnh tranh.

Trước đây, doanh nghiệp được coi như một đối tượng để quản lý, nhưng bây giờ, chúng ta xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước.

Chúng ta không còn đặt nặng vấn đề quản lý theo kiểu cũ. Tất cả các cơ chế, chính sách được xây dựng đều dựa trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; mọi chính sách được thiết kế ra phải xoay quanh việc phục vụ, kiến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tham gia vào các dự án lớn, các dự án mang tính chiến lược, các dự án quan trọng của quốc gia.

“Theo Nghị quyết, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Có thể thấy đây là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế, dẫn đến những thay đổi rất lớn. Ví dụ như chủ trương bỏ cơ chế "xin – cho", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" – một tư duy an toàn nhưng kìm hãm sự phát triển. Trước đây, đôi khi chúng ta tự tạo ra những rào cản, rồi sau đó lại tháo gỡ và coi đó là cải cách, đổi mới. Lần này, chúng ta chủ động thiết kế, kiến tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, để dòng chảy kinh tế được lưu thông một cách tự nhiên, thậm chí làm cho chảy nhanh hơn, đúng hướng hơn, tốt hơn, chứ không phải là ngăn cấm.

Chúng ta coi doanh nghiệp là đối tác và đã mạnh dạn chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Đây là những thay đổi rất lớn về thể chế. Thay vì quản lý theo "hình nón ngược", siết chặt đầu vào nhưng lỏng lẻo đầu ra, chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, làm theo "hình chiếc phễu". Đó là tạo điều kiện cho đầu vào thông thoáng, tự do, nhưng quản lý đầu ra rất chặt chẽ bằng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian.

Ngoài những thay đổi về tư duy, nhận thức và quan điểm, cũng như việc bảo đảm các quyền tự do, Nghị quyết cũng đưa ra rất nhiều các nhóm chính sách cụ thể.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết 68-NQ/TW là ‘cuộc cách mạng’ về tư duy và thể chế- Ảnh 6.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, các chính sách này phải thực sự "trúng" và "đúng". Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các chính sách phải mang tính "đột phá", "đủ mạnh", đồng thời phải "bao quát", "toàn diện" các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc và quan trọng hơn là phải "cụ thể", "dễ hiểu", "dễ nhớ" để có thể "triển khai thực hiện ngay". Bám sát tinh thần chỉ đạo đó, Nghị quyết đã đề ra khoảng 80 nhóm chính sách, trong đó có một nhóm chính sách quy định rất rõ ràng các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận nguồn lực.

Ví dụ, đối với vấn đề đất đai, mặt bằng sản xuất – một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay, Nghị quyết quy định rằng mỗi một địa phương phải dành ra một quỹ đất tương ứng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 20 ha, hoặc tối thiểu là 5% quỹ đất sạch đã được đầu tư hạ tầng, để dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Tôi cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra cũng rất quan trọng. Nghị quyết khẳng định nghiêm cấm các hành vi thanh tra, kiểm tra gây nhũng nhiễu, trùng lắp, kéo dài thời gian không cần thiết”.
_Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng_

Ngoài ra, các doanh nghiệp này sẽ được giảm 30% tiền thuê đất trong thời hạn 5 năm. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mà thực hiện việc cung cấp đất và giảm giá đất cho các đối tượng ưu tiên này, họ sẽ được khấu trừ vào số tiền thuế đất phải nộp. Đây là một giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tiếp cận được với đất đai, giải quyết tình trạng trước đây khi các doanh nghiệp hạ tầng chủ yếu ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn thuê trọn gói, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu và năng lực hạn chế hơn khó tiếp cận.

Mặc dù trước đây, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng đã có quy định về việc dành một tỉ lệ nhất định (3% hoặc 5% diện tích) cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Lần này, Nghị quyết quy định cụ thể hơn, mang tính đột phá hơn.

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp rất quan tâm là tiếp cận vốn. Nghị quyết cũng quy định rõ rằng phải xây dựng cơ chế, chính sách, có một kênh tín dụng thương mại dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, phải có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này khi cần thiết, có thể thông qua các quỹ hỗ trợ của nhà nước, giúp họ vừa tiếp cận được vốn, vừa giảm được chi phí vốn.

“Chúng ta cũng mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước”.
_Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng_

Chúng ta cũng mạnh dạn đưa ra cơ chế cho phép sử dụng các hình thức bảo đảm linh hoạt hơn như tín chấp, hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng thường thiếu tài sản thế chấp theo kiểu truyền thống – có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trước đây, việc này rất khó khăn, lãi suất lại cao. Nghị quyết đã mở rộng các quy định để các ngân hàng thương mại có thể xem xét, cho vay một cách thuận lợi hơn và với chi phí thấp hơn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra cũng rất quan trọng. Nghị quyết khẳng định nghiêm cấm các hành vi thanh tra, kiểm tra gây nhũng nhiễu, trùng lắp, kéo dài thời gian không cần thiết. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc mỗi một năm, một doanh nghiệp chỉ bị kiểm tra, thanh tra một lần, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc có bằng chứng cụ thể. Cùng với đó, tôi cho rằng việc cố gắng chuyển đổi sang hình thức thanh tra trực tuyến, giảm thiểu việc thanh tra trực tiếp, nhằm giảm phiền hà và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp là cải cách rất mạnh mẽ.

Kế đến là vấn đề xử lý sai phạm - nội dung mà doanh nghiệp cũng hết sức quan tâm. Trong xử lý sai phạm, Nghị quyết lần này đã khẳng định: Đối với các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính và kinh tế, sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp xử lý về hành chính, dân sự và kinh tế.

Một nội dung cũng rất quan trọng là, nếu trong trường hợp quy định của pháp luật có thể hiểu theo hướng xử lý hình sự cũng được, hoặc không xử lý hình sự cũng được (tức là có những tình huống nằm ở ranh giới) thì Nghị quyết yêu cầu cương quyết không xử lý hình sự. Đây là một điểm rất mới và rất nổi bật.

Còn trong trường hợp đã đến mức phải xử lý hình sự, thì vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả trước và lấy kết quả khắc phục đó làm cơ sở để xem xét, giải quyết các bước tiếp theo, theo hướng xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp đã tích cực khắc phục hậu quả. Tôi cho rằng nội dung này hết sức quan trọng và mang tính đột phá cao.

“Nghị quyết 68-NQ/TW quy định mỗi một địa phương phải dành ra một quỹ đất tương ứng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 20 ha, hoặc tối thiểu là 5% quỹ đất sạch đã được đầu tư hạ tầng, để dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.
_Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng_

Cũng liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về hình sự và tranh chấp, 02 vấn đề rất cơ bản được nhấn mạnh: Đảm bảo nguyên tắc không hồi tố đối với các quy định của pháp luật được ban hành sau mà gây bất lợi cho doanh nghiệp (doanh nghiệp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm đối với các quy định bất lợi hơn được ban hành sau thời điểm hành vi xảy ra; Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp.

Cùng với đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc tôn vinh, khen thưởng, biểu dương đối với doanh nghiệp và doanh nhân. Có một cụm từ trong Nghị quyết mà tôi rất tâm đắc, đó là coi những doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". Bởi họ chính là những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, trực tiếp đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động và trực tiếp tham gia vào quá trình thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết khẳng định về vai trò, sứ mệnh mới của khu vực kinh tế tư nhân; khuyến khích, tôn vinh doanh nghiệp để họ yên tâm, tự tin với trí tuệ, bản lĩnh và năng lực của mình, tham gia vào công cuộc phát triển, kiến tạo đất nước.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mà tôi cho rằng có tác động hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp này. Một điểm được khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết là Nhà nước phải đảm bảo vai trò kiến tạo cho sự phát triển và không được can thiệp bằng các biện pháp hành chính làm trái với các nguyên tắc của thị trường, làm méo mó các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Liên quan đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính và tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, Nghị quyết quy định rất cụ thể: Ngay trong năm 2025, phải đảm bảo cắt giảm được ít nhất 30% thời gian xử lý các thủ tục hành chính, 30% các điều kiện kinh doanh và 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về các biện pháp về tài chính, Nghị quyết chủ trương bãi bỏ lệ phí môn bài. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, đồng thời miễn tiền thuê nhà xưởng trong 3 năm đầu.

Một nội dung nữa cũng hết sức thiết thực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Nghị quyết thiết kế một khung pháp lý cho một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, mà chúng ta hay gọi là "sandbox". Đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được tính gấp đôi (200%) chi phí thực tế vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là những chính sách hết sức quan trọng.

Trong nghị quyết lần này, cũng đã có những cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, cũng như giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, sự liên kết giữa hai khu vực này còn khá rời rạc, khó tạo nên các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp cùng nhau hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để chúng ta có thể tận dụng được các lợi thế mà khu vực FDI mang lại cho nền kinh tế.

Cuối cùng, đó là cơ chế thực sự "trúng" và "đúng" để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển và mạnh dạn chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Đơn cử như tối giản hóa các quy định về tài chính, kế toán cho các hộ kinh doanh; cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý; cung cấp các nền tảng số miễn phí để họ ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, Nghị quyết chủ trương bỏ hình thức thuế khoán. Những biện pháp này vừa là động lực, vừa là áp lực đối với các hộ kinh doanh để họ chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định này phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các hộ kinh doanh, tránh tình trạng hộ kinh doanh không mạnh dạn chuyển đổi hoặc sau chuyển đổi gặp khó khăn.

Phải tổ chức thực hiện ngay để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống

Vậy Phó Thủ tướng kỳ vọng gì về những tác động của Nghị quyết đối với việc phát triển kinh tế tư nhân tại nước ta, cũng như các bước triển khai tiếp theo khi đã có Nghị quyết?

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Về yêu cầu triển khai, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rằng sau khi Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành, phải triển khai cụ thể ngay, phải tổ chức thực hiện ngay và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Do đó, ngay trong một vài ngày tới, Bộ Tài chính – cơ quan được giao chủ trì xây dựng đề án này – sẽ trình Chính phủ chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết, đồng thời dự thảo một Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68. Chúng ta cũng sẽ sớm tổ chức Hội nghị quán triệt toàn quốc về Nghị quyết quan trọng này.

Hiện nay, Nghị quyết đang được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội đón nhận với nhiều đánh giá tích cực, được gọi bằng những cụm từ rất ý nghĩa như "Nghị quyết 10 trong thời kỳ đổi mới", hay "Nghị quyết mang tính cách mạng", "mang tính đột phá", "mang tính lịch sử" đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Nghị quyết được tổ chức thực hiện thật tốt và thực sự đi vào cuộc sống, sẽ tạo ra một luồng sinh khí mới, một niềm tin mới, một xung lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực này giống như một "chiếc lò xo" đã bị nén lại trong một thời gian dài và Nghị quyết 68–NQ/TW sẽ như một cú hích, giúp "tháo chốt", để "chiếc lò xo" có thể bung ra, phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, năng lực và dư địa phát triển còn rất lớn. Qua đó, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp một cách xứng đáng vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Tôi tin rằng, với những định hướng và giải pháp được hoạch định cụ thể, chúng ta có thể đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045. Việt Nam cũng sẽ có những doanh nghiệp tham gia vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có những doanh nghiệp tiên phong trong tất cả các lĩnh vực, dẫn dắt nền kinh tế, những doanh nghiệp lớn mạnh tham gia vào các chuỗi giá trị, các chuỗi cung ứng toàn cầu và có thương hiệu trên thị trường thế giới. Chắc chắn đất nước sẽ đạt được những thành tựu mới, trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, với sự đóng góp xứng đáng của khu vực kinh tế tư nhân./.

Thu Sa (thực hiện)


Nguồn: https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-nguyen-chi-dung-nghi-quyet-68-nq-tw-la-cuoc-cach-mang-ve-tu-duy-va-the-che-102250507175535369.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm