|
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung |
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta có khoảng hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, trong đó khoảng 26 ngàn người suy thận mạn giai đoạn cuối. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8/10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Khổ sở vì bệnh suy thận mạn
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là một trong những cơ sở y tế có số lượng máy chạy thận lớn nhất hiện nay ở Việt Nam với 104 máy. Mặc dù vậy, số máy này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận của bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Hiện có 530 bệnh nhân bị suy thận mạn chạy thận thường xuyên tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Mỗi ngày, khoa triển khai 4 ca lọc thận, máy móc và cả nhân lực hoạt động hết công suất. Khoa thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhân được xếp vào danh sách chờ chạy thận hoặc được giới thiệu đến các bệnh viện, trung tâm y tế khác trong và ngoài tỉnh để chạy thận.
Bà T.T.H. (78 tuổi, ngụ xã Định Quán) cho hay, bà bị bệnh tiểu đường từ năm 30 tuổi. Cách đây hơn một năm, sau khi bà bị tai biến lần thứ 2, bác sĩ kiểm tra sức khỏe và phát hiện bà bị biến chứng suy thận mức độ 4, bắt buộc phải chạy thận. Ban đầu, bà chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhưng do đường sá xa xôi, nhà lại neo người, chỉ có 2 mẹ con, tốn kém nhiều chi phí nên bác sĩ tuyến trên chuyển bà về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để chạy thận.
“Mỗi tuần 3 lần, con gái tôi phải thuê xe để đưa tôi đến bệnh viện, ngồi chờ tôi chạy thận khoảng 4 tiếng rồi đưa tôi về. Dù quãng đường từ nhà đến bệnh viện được rút ngắn hơn so với trước nhưng vẫn còn xa, tôi lại già yếu đi lại rất khó khăn. Vì bị bệnh nên tôi phải dùng thuốc và ăn uống kiêng khem rất nghiêm ngặt, chỉ cần lơ là bệnh sẽ trở nặng” - bà H. chia sẻ.
Chị Lương Thị Kim Cúc, Điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh nhân lớn tuổi nhất trong khoa 90 tuổi, trẻ nhất là 20 tuổi. Thời gian gần đây, khoa tiếp nhận một số bệnh nhân được chuyển đến từ các bệnh viện nhi do bệnh nhân qua tuổi 16. Hầu hết bệnh nhân bị suy thận mạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, thời gian điều trị tại bệnh viện nhiều nên không thể làm được các công việc thông thường để kiếm thêm thu nhập.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào dịp Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2025). Nếu thành công, đây sẽ là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai thực hiện được kỹ thuật này.
Phòng ngừa ra sao?
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Ngọc Yến, Trưởng khoa Lọc máu và thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận và gia tăng, trẻ hóa bệnh suy thận mạn. Trong đó có 3 yếu tố chính gồm bệnh nền, lối sống thiếu lành mạnh và lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng.
Bác sĩ Yến cho rằng, lối sống thụ động, ăn uống nhiều đường, béo phì khiến gia tăng bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp 2.
Những người mắc các bệnh trên nếu không kiểm soát bệnh tốt dễ dẫn đến biến chứng suy thận. Các bệnh như viêm cầu thận, lupus ban đỏ, thận đa nang cũng góp phần âm thầm gây tổn thương thận.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người trẻ có thói quen ít vận động, lại thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối khiến thận phải “làm việc” rất vất vả. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ thích uống nhiều nước ngọt thay vì uống nước lọc, nhịn tiểu, stress kéo dài cũng gây hại cho thận.
Đặc biệt, các bác sĩ rất quan ngại vấn đề lạm dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng, thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ có thể gây suy thận và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Hiện có 3 phương pháp chính điều trị bệnh suy thận mạn là: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, phương pháp chạy thận nhân tạo được nhiều người lựa chọn, vì ghép thận rất tốn kém và nguồn thận hiến rất khan hiếm. Còn phương pháp lọc màng bụng mặc dù có nhiều ưu điểm, giúp bệnh nhân không phải đến bệnh viện 3 lần/tuần để chạy thận nhưng nhiều người chưa mạnh dạn tự thực hiện tại nhà mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Để phòng ngừa bệnh suy thận, các bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân đang bị các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp cần quản lý tốt bệnh bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời, không sử dụng thuốc bừa bãi; duy trì cân nặng hợp lý; có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối nạp vào cơ thể; uống đủ nước; hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá; tập thể dục thường xuyên; giảm căng thẳng…
Hạnh Dung
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202507/phong-ngua-benh-suy-than-man-8fe0ce1/
Bình luận (0)