BHG - Tại rẻo cao Bản Phùng (Hoàng Su Phì) khi mùa vụ đã tạm lắng, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ La Chí ngày ngày cần mẫn bên khung cửi, giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Đây không chỉ là một công việc đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện bản sắc riêng của người La Chí.
Đến thôn Na Pha, xã Bản Phùng vào một ngày nông nhàn, khi những thửa ruộng bậc thang nằm yên lặng chờ vụ mùa mới, không khí nơi đây lại rộn ràng theo một cách rất riêng. Trong những nếp nhà gỗ đơn sơ, tiếng thoi đưa lách cách vang lên đều đặn, hòa cùng tiếng cười nói râm ran của những người phụ nữ đang chăm chú bên khung cửi. Dưới bàn tay khéo léo, từng sợi bông dần được dệt thành những tấm vải thô đơn giản, mang theo hơi thở của núi rừng và văn hóa dân tộc của người La Chí.
Phụ nữ La Chí bên khung dệt. |
Nghề dệt của người La Chí đã tồn tại hàng trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác. Phụ nữ La Chí ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ hướng dẫn cách xe sợi, dệt vải và thêu thùa. Các sản phẩm dệt không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn mang ý nghĩa tâm linh, xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Từ những công cụ thô sơ cùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ La Chí, bộ trang phục truyền thống của họ dù mang màu chàm mộc mạc, nhưng vẫn rất tinh tế. Mỗi sản phẩm thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ cũng như gửi gắm tình cảm cho người thân trong gia đình.
Chị Vương Thị Lan, thôn Na Pha, chia sẻ: “Đối với người La Chí, thêu thùa và may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của phụ nữ La Chí. Ngay từ nhỏ khi mới lên 5, 6 tuổi, các trẻ em gái được theo mẹ lên nương trồng bông, được các mẹ, các chị dạy tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để sau này có thể tự dệt vải, thêu thùa và may những bộ trang phục cho riêng mình. Đây cũng là cách để các thế hệ người La Chí lưu giữ được nghề dệt truyền thống của dân tộc”.
Nguyên liệu chính để dệt vải là sợi bông tự nhiên, được trồng và thu hoạch tại địa phương. Sau khi thu hái, bông được xử lý, kéo sợi rồi nhuộm bằng các loại lá cây rừng để tạo màu sắc. Quá trình này đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và kinh nghiệm lâu năm.
Chị Lan chia sẻ thêm: “Để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống của người La Chí, người thợ phải trải qua 13 công đoạn từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm chàm đến khâu may... Trong đó, công đoạn dệt vải chiếm rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo cao. Những người thạo nghề có thể dệt được khoảng 7 - 8 mét vải mỗi ngày. Hiện nay, vải chưa nhuộm chàm có giá khoảng 80 nghìn đồng/mét, còn loại đã nhuộm chàm được bán với giá 120 nghìn đồng/mét. Đây không chỉ là một công việc mưu sinh mà còn là niềm tự hào của phụ nữ La Chí trong việc giữ gìn nghề truyền thống”.
Ngày nay, dù chịu sự tác động của cuộc sống hiện đại, nghề dệt truyền thống của phụ nữ La Chí ở Bản Phùng vẫn được bảo tồn và phát huy. Các lớp học dệt vải được tổ chức nhằm truyền dạy cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và yêu quý nghề truyền thống. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa nghề dệt với du lịch cộng đồng cũng đang mở ra hướng đi mới, giúp phụ nữ La Chí có thêm thu nhập và góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo này.
Nghề dệt truyền thống của phụ nữ La Chí không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công mà còn là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào của cả cộng đồng. Việc gìn giữ và phát triển nghề dệt không chỉ giúp bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202503/phu-nu-la-chi-xa-ban-phung-luu-giu-nghe-det-truyen-thong-4762a83/
Bình luận (0)