Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quái vật 3 mắt từng tung hoành đại dương cách đây 500 triệu năm

(Dân trí) - Một loài săn mồi không giống bất kỳ sinh vật nào còn tồn tại trên Trái Đất ngày nay từng hiện diện tại các đại dương cách đây khoảng 500 triệu năm.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/05/2025

Sinh vật này được các nhà khoa học đặt tên là Mosura fentoni – một loài động vật chân khớp thuộc nhóm radiodont đã tuyệt chủng. Mosura fentoni có ba mắt, dùng móng vuốt có gai để tóm con mồi, ăn bằng một chiếc miệng tròn có răng, bơi nhờ các vây nằm dọc hai bên thân và sở hữu tới 26 đốt cơ thể – con số cao nhất được ghi nhận trong số các loài radiodont.

May mắn thay, sinh vật này chỉ dài khoảng bằng một ngón tay người. Thực tế, phần lớn các sinh vật thời đó đều có kích thước khá nhỏ.

Tuy nhiên, phần đuôi phân đoạn với cấu trúc phức tạp và đặc điểm giải phẫu độc đáo của Mosura đã khiến các nhà cổ sinh vật học – Joe Moysiuk (Bảo tàng Manitoba) và Jean-Bernard Caron (Bảo tàng Hoàng gia Ontario) – dành nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu.

Họ đã đặt tên loài này là Mosura vì hình dạng của nó có phần giống loài bướm đêm “Mothra” nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, dù trên thực tế nó không có họ hàng gì với các loài bướm hiện đại.

Quái vật 3 mắt từng tung hoành đại dương cách đây 500 triệu năm - 1
Một con Mosura trông như thế này trong suốt cuộc đời của nó (Ảnh: Danielle Dufault).

Mosura có 16 đốt thân chính với các mang sắp xếp chặt chẽ ở phần sau cơ thể. Đây là một ví dụ điển hình về hiện tượng tiến hóa hội tụ, trong đó các sinh vật khác nhóm có thể phát triển những đặc điểm giải phẫu tương đồng do thích nghi với cùng một kiểu môi trường – như trường hợp của cua móng ngựa, rận gỗ và nhiều loài côn trùng hiện đại, đều có các đốt mang dùng để hô hấp ở phần sau cơ thể.

Các đại dương thời kỳ Cambri, cách đây khoảng 539 đến 487 triệu năm, rất khác biệt so với môi trường biển hiện đại. Đây là thời điểm sự sống đa dạng thực sự bắt đầu bùng nổ, đánh dấu một trong những chương đầu tiên của lịch sử sinh giới trên Trái Đất.

Tư liệu về kỷ Cambri không nhiều, nhưng tầng địa chất Burgess Shale tại Canada được xem là một trong những kho báu cổ sinh vật học quý giá nhất. Hình thành cách đây khoảng 508 triệu năm, lớp đá này chứa trầm tích từ các dòng bùn phù sa chảy qua đáy biển, chôn lấp và bảo tồn hoàn hảo cơ thể của nhiều sinh vật cổ đại trong quá trình dòng bùn lắng đọng.

Những lớp trầm tích đó đã trở thành một Lagerstätte – thuật ngữ dùng để chỉ các địa điểm hóa thạch đặc biệt với khả năng lưu giữ các chi tiết tinh xảo, mô mềm, thậm chí cả cấu trúc nội tạng – điều rất hiếm gặp trong khảo cổ học sinh vật.

Quái vật 3 mắt từng tung hoành đại dương cách đây 500 triệu năm - 2
Một mẫu hóa thạch Mosura (Ảnh: Jean-Bernard Caron).

Trong hệ sinh thái phong phú này, nhóm radiodont – một nhánh sớm của động vật chân khớp – từng chiếm ưu thế. Trong đó, nổi tiếng nhất là loài Anomalocaris – một sinh vật săn mồi đáng sợ có thể dài tới một mét. Dù không lớn theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng vào thời kỳ Cambri, đó thực sự là một “quái vật khổng lồ”.

So với Anomalocaris, Mosura nhỏ hơn rất nhiều, nhưng lại sở hữu những đặc điểm giải phẫu vô cùng độc đáo. Hai nhà khoa học Moysiuk và Caron đã nghiên cứu tổng cộng 61 mẫu hóa thạch Mosura, qua đó mô tả chi tiết cấu trúc cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.

Họ phát hiện dấu vết của các bó dây thần kinh trong mắt – cho thấy khả năng xử lý hình ảnh tương đối tiên tiến, tương tự như ở các loài chân khớp hiện đại. Mức độ bảo tồn chi tiết này là điều cực kỳ hiếm thấy trong khảo cổ học, đặc biệt với các loài có mô mềm.

Quái vật 3 mắt từng tung hoành đại dương cách đây 500 triệu năm - 3
Sơ đồ giải phẫu của Mosura: hệ thần kinh màu tím, hệ tiêu hóa màu xanh lá cây và hệ tuần hoàn màu cam (Ảnh: Danielle Dufault).

Radiodont là nhánh đầu tiên tách ra trong cây tiến hóa của động vật chân khớp – nhóm sinh vật ngày nay bao gồm côn trùng, nhện, giáp xác và nhiều loài biển sâu. Nghiên cứu về Mosura giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những đặc điểm tổ tiên chung, và cách các sinh vật hiện đại thừa hưởng hoặc biến đổi chúng theo thời gian.

Dù nhiều đặc điểm đã bị mất đi trong quá trình tiến hóa, nhưng một số vẫn được bảo tồn. Nhờ vào các phương pháp nghiên cứu hiện đại, việc khai quật và giải mã hóa thạch như Mosura đang mở ra những câu trả lời bất ngờ cho nguồn gốc của những cấu trúc sinh học tưởng như kỳ dị và khó lý giải.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/quai-vat-3-mat-tung-tung-hoanh-dai-duong-cach-day-500-trieu-nam-20250527182854069.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm