
Tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) có 15 thành viên. Hơn 1 tháng nay, tần suất tuần tra rừng đang được tổ tăng gấp 2 - 3 lần và tần suất này sẽ được duy trì đến hết tháng 5, bởi nhiều khu vực rừng do tổ quản lý thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, nhất là khu vực rừng giáp ranh địa phận tỉnh Lai Châu.
Ông Giàng A Cấu, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ chia sẻ: Tổ có nhiệm vụ cùng cán bộ kiểm lâm bảo vệ hơn 700 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Để phòng chống cháy rừng mùa khô hanh, nhất là mùa làm nương, các thành viên trong tổ phân công đi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện những trường hợp dọn nương thảo quả, dọn khu vực ven rừng để trồng ngô, người dân vào rừng dùng lửa lấy mật ong không đảm bảo an toàn phòng cháy. Khu vực giáp ranh tỉnh Lai Châu được tăng cường tuần tra vì là bãi chăn thả gia súc, có tình trạng người dân sử dụng lửa đốt cây bụi cho cỏ mọc, nguy cơ cháy lan vào rừng cao.

Còn ở thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát), từ tháng 2 đến nay, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của thôn - Lý A Vàng cùng các thành viên trong tổ cũng tất bật hơn với công tác bảo vệ rừng. Được biết, hơn 90% hộ dân trong thôn có diện tích đất sản xuất giáp ranh với hơn 2.790 ha rừng mà thôn được giao quản lý, bảo vệ.
Để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, Tổ bảo vệ rừng của thôn đang tuyên truyền tới người dân các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong quá trình làm nương, đốt dọn thực bì. Tổ cũng phối hợp với cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát ký cam kết bảo vệ rừng tới từng hộ dân, yêu cầu các hộ khi đốt dọn thực bì phải thông báo và được sự cho phép của chính quyền.

Đối với huyện Bảo Yên, nơi có hơn 36.000 ha rừng sản xuất, việc khai thác và trồng rừng mới diễn ra quanh năm. Vì vậy, nâng cao kiến thức, ý thức cho người dân trong quá trình sản xuất, khai thác rừng, xử lý thực bì trước khi trồng mới có ý nghĩa quan trọng. Đa số người dân sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn đã nghiêm túc thực hiện.
Gia đình bà Lồ Thị Toạn ở xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) hiện có gần 4 ha rừng trồng. Gia đình vừa khai thác 0,4 ha quế, đang thu dọn thực bì và chuẩn bị trồng rừng vụ mới.
Bà Toạn cho biết: “Cách đây hơn chục năm, cũng vào dịp thu dọn thực bì để trồng rừng, do sơ xuất khi đốt nương, tôi đã làm cháy lan vào khu rừng chưa đến kỳ khai thác, cũng may được các lực lượng hỗ trợ dập lửa nên thiệt hại thấp. Từ đó, tôi luôn cẩn trọng trong việc đốt dọn thực bì. Hằng năm, gia đình đều ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp. Tôi được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn cách xử lý thực bì như: không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đốt lúc gió nhẹ, trước 9 giờ hoặc sau 17 giờ”.

Trong thời gian cao điểm mùa khô hanh (thường từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4 hằng năm) trùng với thời gian người dân làm nương nên các lực lượng bảo vệ rừng phải thường xuyên đi tuần tra, đề cao cảnh giác.
Cùng với đó, các tổ bảo vệ rừng, cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền tới người dân các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong quá trình làm nương, bởi đây là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng cao.

Theo đó, trước khi đốt nương, người dân phải báo trước với trưởng thôn, tổ bảo vệ rừng. Khi đốt nương cần hạn chế đốt vào những giờ cao điểm nắng nóng (như giữa trưa hay đầu giờ chiều), nên đốt vào cuối giờ chiều.
Đồng thời, phải làm đường băng cản lửa cách bìa rừng ít nhất 4 - 5 m; phải đốt từ trên xuống, khi lửa cháy được khoảng 30% diện tích nương thì tiếp tục đốt từ dưới lên; phải chờ cho lửa tắt mới được rời khỏi nương.

Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả, kịp thời, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Các đơn vị chủ rừng, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tu sửa các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng kéo dài; hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy, có biện pháp kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; chủ động ứng phó cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý các vụ cháy rừng khi mới phát sinh.

Nguồn: https://baolaocai.vn/quan-ly-chat-viec-xu-ly-thuc-bi-de-phong-chay-rung-post400141.html
Bình luận (0)