Hiện nay, huyện Quảng Hòa có 33 di tích, trong đó 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tồn tại cùng các di tích lịch sử là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, bao gồm những lễ hội truyền thống đặc sắc. Theo thống kê, có khoảng gần chục lễ hội cấp xóm, xã được tổ chức hằng năm, trong đó có các lễ hội lớn như: Lễ hôi tranh đầu pháo, lễ hội đầu xuân thị trấn Hòa Thuận, lễ hội xã Cách Linh, lễ hội Nàng Hai…
Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Uyên Dương Quang Đồng cho biết: Trên địa bàn thị trấn có 5 di tích được công nhận, xếp hạng, trong đó 2 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động, giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di tích trên địa bàn. Các di tích được quản lý theo đúng quy định của Nhà nước, các tổ quản lý thực hiện tốt vai trò quản lý, bảo vệ và duy trì các hoạt động tại khuôn viên di tích đảm bảo đúng quy định. Các cấp, ngành và người dân thường xuyên quan tâm, bảo vệ, sửa chữa đảm bảo các hoạt động diễn ra tại di tích. Công tác quản lý thu - chi tiền công đức của các đền, miếu được thực hiện công khai, có sự giám sát của chính quyền và người dân.
Cùng với việc bảo tồn và phát huy các di tích, huyện chú trọng phục dựng và bảo tồn những nét đẹp truyền thống của các lễ hội; công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, đặc biệt là vào mùa xuân, các lễ hội trên địa bàn được tổ chức trang trọng với các hoạt động văn hóa lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ những hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích và thuần phong, mỹ tục của địa phương, phát huy được tiềm năng, vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo, sự đóng góp của nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Lương Văn Huấn chia sẻ: Hằng năm xã tổ chức Lễ hội Thanh Minh. Lễ hội thu hút rất đông khách thập phương và nhân dân địa phương tham dự. Lễ hội luôn phát huy những thuần phong, mỹ tục, nét đẹp truyền thống, phục dựng trang trọng, uy nghiêm phần lễ và mở rộng các hoạt động phần hội, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân và du khách thập phương. Nghi lễ tín ngưỡng được tổ chức phù hợp với bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Các hiện tượng cờ bạc, mê tín, dị đoan, văn hóa phẩm ngoài luồng được kiểm soát, xử lý triệt để; trong lễ hội, Ban Tổ chức thường xuyên tuyên truyền, vận động nhắc nhở nhân dân và du khách hạn chế đốt vàng mã và đốt hương bừa bãi… Ban Tổ chức quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho du khách…
Việc tổ chức lễ hội luôn tuân thủ nghiêm quy định về thực hiện nếp sống văn minh; quy chế hoạt động văn hóa của các cấp. Quan tâm chỉ đạo tổ chức lễ hội, quản lý di tích nên đại bộ phận nhân dân tự giác gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh và bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai các hoạt động tuyên truyền về giá trị di tích và lễ hội, quy mô tổ chức sâu rộng làm chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân tham gia tổ chức lễ hội. Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến việc quy hoạch, đầu tư các dự án mở rộng không gian các di tích trọng điểm, kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng - tâm linh tạo một điểm nhấn quan trọng, mở ra không gian du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn, độc đáo của cả vùng.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa Hoàng Văn Ngát cho biết: Phòng tích cực tham mưu huyện thực hiện và chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phát triển du lịch; ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích đến xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, đặc biệt chú trọng việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức, quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích và trong lễ hội cũng như hoạt động du lịch; tổ chức tuyên truyền, cổ động, quảng bá các hoạt động của lễ hội; kiểm tra và quản lý chặt chẽ các dịch vụ văn hóa diễn ra trong lễ hội, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, các hoạt động mê tín, dị đoan; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải kịp thời trước, trong và sau lễ hội. Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn: https://baocaobang.vn/quang-hoa-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-cac-le-hoi-3177041.html
Bình luận (0)