Đây là kết quả của hơn 70 năm nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đạt được thành tựu này.

Thành tựu tự hào
Đau mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra, từng là nguyên nhân chính gây mù lòa. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người nhiễm, hoặc gián tiếp qua ruồi, khăn mặt, và các vật dụng cá nhân.
Ở Việt Nam, trước năm 1945 tỷ lệ mắc bệnh đến mức báo động: 60% ở miền Bắc, 50% ở miền Trung và 30% ở miền Nam. Các triệu chứng như ngứa mắt, sưng mí, chảy dịch, và sự xuất hiện các "hột" trên kết mạc có thể dẫn đến biến chứng nặng như lông quặm, sẹo giác mạc, và mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Điều kiện sống khó khăn, vệ sinh kém, thiếu nước sạch ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt ở miền núi đã tạo môi trường thuận lợi cho bệnh lây lan, đặc biệt ở trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ hơn 35 tuổi.
Để loại trừ bệnh đau mắt hột, cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã thực hiện các chương trình điều trị, nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện sống. Hàng trăm nghìn người đã được khám và điều trị, cùng lúc với các chiến dịch giáo dục cộng đồng về thói quen vệ sinh cá nhân.
Bằng cách thực hiện chiến lược SAFE của WHO, tập trung vào phẫu thuật điều trị lông quặm, sử dụng kháng sinh, cải thiện vệ sinh cá nhân và môi trường, sau 30 năm, đến năm 2023, tỷ lệ mắc bệnh dạng gây mù lòa đã giảm xuống dưới 0,2% - ngưỡng để WHO xác nhận bệnh không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Ngày 14/4/2025, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố chính thức thanh toán bệnh đau mắt hột, đánh dấu chấm hết cho một căn bệnh từng đe dọa thị lực của hàng triệu người Việt. PGS-TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Đây là khoảnh khắc đáng tự hào, là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan, cộng đồng và đối tác quốc tế".

Tiếp cận dịch vụ nhãn khoa tiên tiến
Tại Quảng Nam, các hoạt động chăm sóc mắt đã và đang được đẩy mạnh để bảo vệ sức khỏe thị lực của người dân, đặc biệt sau thành tựu xóa bỏ bệnh đau mắt hột. Các chương trình chăm sóc mắt ở đây tập trung vào việc nâng cao nhận thức, khám sàng lọc, và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao.
Năm 2023, thông tin từ Fred Hollows Việt Nam cho biết, dự án "Chăm sóc mắt và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tỉnh Quảng Nam" đã tiếp cận được gần 10.000 người cao tuổi; truyền thông về chăm sóc mắt cho 6.567 người ở 71 xã, phường, thị trấn; hỗ trợ mổ đục thủy tinh thể cho hơn 1.000 người người cao tuổi, trong đó 61-65% đối tượng thụ hưởng là phụ nữ.
Người cao tuổi các địa phương Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình và Tam Kỳ còn được đo khúc xạ và cấp kính mắt, tạo điều kiện thuận tiện hơn trong việc đọc sách báo, xem truyền hình, và điện thoại.
Cùng với đó, các chương trình khám mắt miễn phí hoặc chi phí thấp cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi cũng được thực hiện ở nhiều địa phương. Những chương trình này nhằm phát hiện sớm các bệnh lý như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, và các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị). Các đợt khám lưu động cũng được triển khai tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đặc biệt, chương trình chăm sóc mắt học đường được triển khai liên tục trong nhiều năm với các hoạt động đáng chú ý. Từ việc tích hợp nội dung chăm sóc mắt vào chương trình giáo dục, hướng dẫn học sinh cách nghỉ ngơi mắt đúng cách để giảm nguy cơ cận thị, cho đến đa dạng các hình thức tuyên truyền. Trong đó, Báo Quảng Nam đã nhiều năm liền phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Bệnh viện Mắt Quảng Nam thực hiện các buổi livestream đến trường học nhằm tăng cường hiểu biết về chăm sóc mắt cho tuổi học đường.
Quảng Nam cũng đang đầu tư vào việc nâng cấp trang thiết bị y tế tại các cơ sở nhãn khoa, bệnh viện chuyên khoa. Đồng thời các bác sĩ và nhân viên y tế được cử đi đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Những nỗ lực này đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ nhãn khoa tiên tiến ngay tại địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-dong-hanh-xoa-bo-benh-dau-mat-hot-3152914.html
Bình luận (0)