Nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ quyết định tiến hành cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 (từ ngày 6-4 đến 29-12-1972) với quy mô lớn hơn, tàn bạo hơn, khốc liệt hơn. Quảng Ninh tiếp tục là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, quân và dân Quảng Ninh đã đoàn kết chiến đấu kiên cường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất (1964-1968) đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã liên tiếp gặp thất bại nặng nề. Trong hơn 4 năm đó, các lực lượng phòng không miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ.
Đầu năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta trên chiến trường miền Nam đã đập vỡ tuyến phòng ngự cơ bản vòng ngoài trên các địa bàn trọng yếu của địch. Trước tình hình ấy, ngày 6/4/1972, chính quyền Tổng thống Richard Nixon mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ 2 ra miền Bắc Việt Nam, khởi đầu bằng Chiến dịch Linebacker I.
Triển khai Chiến dịch Linebacker I, Mỹ sử dụng không quân, hải quân đánh phá ồ ạt các mục tiêu quân sự, kinh tế, hệ thống giao thông, đê điều và khu dân cư từ Vĩnh Linh đến Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh..., đồng thời thả hàng nghìn quả thuỷ lôi, mìn từ trường phong toả các cảng biển, cửa sông và vùng biển gần bờ ở vịnh Bắc Bộ. Với ý đồ triệt tiêu nền sản xuất công nghiệp của Miền Bắc, cắt đứt chi viện cho Miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng huy động không quân, hải quân đánh phá Vùng Mỏ. Từ tháng 5 đến tháng 10/1972, Mỹ thả thủy lôi và mìn từ trường nhằm phong toả các cảng Hòn Gai và Cẩm Phả, Cửa Ông, Móng Cái.
Đặc biệt, từ ngày 18 đến 30/12/1972, máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Quảng Ninh 22 trận, ném 201 quả bom các loại vào 45 điểm, đồng thời tiếp tục thả thủy lôi phong toả các tuyến đường biển. Tổng số bom đạn dội xuống Quảng Ninh (từ 10/5 đến 30/12/1972) bằng 40% số bom đạn trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên địa bàn tỉnh, giết chết hàng trăm người và làm bị thương nhiều người khác, trên 6.000 ngôi nhà bị sập đổ hoặc bị hư hỏng nặng, gần 200 máy móc, thiết bị, ô tô, ca nô, tàu thuyền, phà, sà lan bị phá huỷ, 6.000 m2 mặt đường bộ, 2.500m3 nền đường, gần 2.000 mét đường sắt và 12 cây cầu bị hỏng nặng. Những địa bàn và đơn vị: Hồng Gai, Uông Bí, Hà Tu, Cửa Ông, Mông Dương, Cọc 6, Vàng Danh bị địch đánh huỷ diệt, không một ngôi nhà, trường học, công xưởng nào trên đất mỏ không bị quân Mỹ đánh phá.
Thượng tá Trương Phúc Lâm, nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) cho biết: Khác với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của chính quyền Giôn-xơn, lần này Mỹ huy động lực lượng lớn hơn, đánh ồ ạt ngay từ đầu với nhiều loại máy bay và vũ khí kỹ thuật mới hoặc đã được cải tiến. Mục tiêu bắn phá lúc đó của quân Mỹ tại Quảng Ninh là nhà xưởng, bến cảng, xí nghiệp. Đơn vị tôi thời điểm đó có 5 đồng chí hy sinh, nhưng chúng tôi không hề nhụt chí mà đã biến lòng căm thù thành hành động để chống trả quyết liệt.
Trước hành động leo thang bắn phá điên cuồng của giặc Mỹ, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, dự báo chính xác tình hình, trước khi không quân Mỹ tấn công hủy diệt, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã phân tán dân cư ra khỏi địa bàn trọng điểm. Đồng thời tập trung chỉ đạo chuyển hướng từ phục vụ phát triển kinh tế thời bình là chủ yếu sang phục vụ chiến đấu, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các yêu cầu của sản xuất; sơ tán các xí nghiệp nhà máy, công trường, ổn định sản xuất; những máy móc thiết bị quan trọng chưa sử dụng được cất giấu an toàn.
Đại tá Phùng Ngọc Hùng, nguyên cán bộ trinh sát Quân khu Đông Bắc, Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ cho biết: Quảng Ninh ta đã phát huy đc sức mạnh tổng hợp, tổ chức lực lượng vũ trang địa phương hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực, đoàn kết anh dũng chiến đấu. Chính sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất đảm bảo phục vụ nhu cầu quốc dân và kiên cường chiến đấu của quân dân Quảng Ninh đã tiếp tục khắng định, đường lối chiến tranh nhân dân là đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân dân Quảng Ninh dội bão lửa căm thù lên đầu quân xâm lược. Từ ngày 10/5 đến 30/12/1972, quân dân Quảng Ninh đã anh dũng chiến đấu 1.418 trận, bắn rơi 27 máy bay giặc Mỹ. Ngày 24/12/1972, quân dân xã đảo Ngọc Vừng bắn rơi chiếc F4, đây là chiếc máy bay thứ 200 và cũng là chiếc cuối cùng của giặc Mỹ bị bắn rơi trên đất Quảng Ninh. Trước sự thất bại không gì cứu vãn nổi, 7 giờ ngày 30/12/1972, Richard Nixon phải tuyên bố tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tính cả hai cuộc chiến tranh phá hoại, quân và dân Quảng Ninh đoàn kết anh dũng chiến đấu, góp phần cùng quân dân miền Bắc bắn rơi 200 máy bay, trong đó có 170 chiếc bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái.
Những đóng góp sức người, sức của của quân và dân Quảng Ninh đã góp phần quan trọng khiến cho chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ chẳng những không kéo được “miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá” mà ngược lại chúng đã thất bại thảm hại. Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, công nhân và nông dân cùng các tầng lớp lao động trong tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, nâng cấp 117km đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, góp phần quan trọng làm nên mùa xuân đại thắng, thống nhất đất nước.
Ghi nhận những chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Quảng Ninh, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1973, Quảng Ninh đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho 3 đơn vị Tự vệ Cảng Hòn Gai, Trạm 301 Công an nhân dân vũ trang, Đội cảnh sát tuần tra kiểm soát Vịnh Hạ Long và nhiều huân chương các loại cho các địa phương, các ngành và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 1972.
Nguồn
Bình luận (0)