Thị xã Quảng Trị phát triển mạnh thương mại -Ảnh: TQ
Từ chiến trường xưa với bao đau thương, mất mát...
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Trị đã có hơn 20 năm là tuyến lửa. Đặc biệt, thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Bắc, Nam tại Vĩ tuyến 17. Tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm hai khu vực: khu vực Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng cùng với miền Bắc quá độ lên CNXH, khu vực Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải cùng với miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước như hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ: hai khu vực với hai chế độ xã hội khác nhau, trong cùng một lúc phải đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Vào thời điểm đó, Đảng bộ Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh đã có những chủ trương sát đúng để huy động mức cao nhất tinh thần, vật chất của Nhân dân đánh thắng địch trong mọi tình huống. Từ các phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; chống “tố cộng”, “diệt cộng”; đồng khởi miền núi, đồng khởi nông thôn đồng bằng, chống bình định, lập ấp chiến lược và các chiến dịch vang dội: Khe Sanh 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972, chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử, cả nước đã biết đến Quảng Trị “Nhà tan cửa nát cũng ừ; Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”.
Ngày 6/7/1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng viết thư gửi Khu ủy và Quân khu ủy Trị - Thiên, “Chiến trường Trị - Thiên gồm một dải đất đồng bằng rất hẹp và dài, có Đường số 1 chạy từ Đà Nẵng ra, ở phía Bắc có Đường số 9, phía Tây là miền núi hiểm trở. Dù hiện nay địch đang xuống thang, Trị - Thiên vẫn giữ nguyên vị trí quan trọng của nó. Đối với ta, đó là đầu cầu nối liền với miền Bắc XHCN; đối với địch, đó là chiến tuyến ngăn chặn quân chủ lực của ta tiến về phía Nam”.
Năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi thị sát Cửa Việt, Dốc Miếu, Khe Sanh... Nhìn cảnh tàn phá do bom đạn Mỹ gây ra, cảnh xơ xác, hoang tàn của Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đồi 241, Đại tướng xúc động nói: “Nơi đây biết bao cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã ngã xuống trong các đợt tiến công và phản công chiến lược năm 1971 - 1972 để làm nên những chiến công bất tử diệt Mỹ, diệt ngụy, tạo thế, tạo lực, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi”.
Đến thành quả hôm nay
Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân Quảng Trị bắt tay ngay vào khai hoang, phục hóa, ngày đêm rà phá bom mìn, quyết tâm cải tạo những cánh đồng hoang vu đầy đạn bom thành ruộng lúa, nương khoai. Chỉ 1 năm sau đó, 10.000 ha đất được khai phá, nhiều vùng bom đạn dày đặc đã được Nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang tháo gỡ đưa vào sản xuất. Hàng loạt công trình thủy lợi được cấp ủy, chính quyền phát động Nhân dân ra quân xây dựng. Đảng bộ, chính quyền từng bước được củng cố, xây dựng vững mạnh.
Đặc biệt, sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, ngày 28/6/1989, BCH lâm thời Đảng bộ tỉnh họp ra Nghị quyết số 01 về việc phân công các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy. Cùng ngày, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02 về nhiệm vụ chủ yếu trước mắt trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, tổ chức và tư tưởng. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, các lĩnh vực có bước phát triển mạnh, riêng sản lượng lương thực 5 năm 1986 - 1990 cao hơn 5 năm trước gần 5 vạn tấn.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kết luận, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát đúng, có tính khả thi cao. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập một số ban chỉ đạo (BCĐ), tổ công tác để lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ khẩn cấp, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, như thành lập BCĐ phòng, chống COVID-19; BCĐ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh; BCĐ các dự án động lực cấp tỉnh; BCĐ công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh; Tổ công tác của tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Tổ công tác 626) để phối hợp với tỉnh Savanakhet nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen sa vẳn; phối hợp tỉnh Salavan về hợp tác kinh tế khu vực Cửa khẩu La Lay - Lay Lay...
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các khu trọng điểm kinh tế của tỉnh như các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với việc đề xuất hành lang Đông - Tây thứ 2 từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh đã tập trung đề xuất, tạo dựng nguồn lực để khởi động và triển khai các công trình trọng điểm giao thông có tính kết nối các trọng điểm kinh tế như: tuyến đường 15D kết nối Cảng Mỹ Thủy và Cửa khẩu quốc tế La Lay; đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ - La Sơn, đường tránh phía đông TP. Đông Hà, Khu bến cảng Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Ngày 27/4/2021, Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 15 triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, tổng công suất phát điện thương mại các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.060MW.
Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và canh tác tự nhiên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, có hơn 11.000 ha cây trồng sử dụng, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm (1.000 ha), thiết bị bay không người lái (10.000 ha), hệ thống cảm biến, IoT, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh). Có 135 trang trại chăn nuôi liên kết công nghệ cao; hơn 111 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm 1.226,85 ha. Quảng Trị là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh được duy trì trên 49%...
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,97% so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 53.508 tỉ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 81,2 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh tính đến cuối năm 2024 còn 11,53%. Toàn tỉnh có 76/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện: Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đạt chuẩn nông thôn mới. Đến 30/6/2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nào sống trong nhà tạm, nhà dột nát...
Tuấn Quang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-vuon-minh-cung-dan-toc-193310.htm
Bình luận (0)