Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quốc hội thảo luận về lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt...

Sáng 9/5, nội dung liên quan bổ sung nước giải khát có đường (nước ngọt) trên 5g/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhận nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông09/05/2025

Ngày 9/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Đề xuất áp dụng thuế suất 8% từ năm 2027

Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ: Đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Theo ý kiến của các ĐBQH, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng, dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Tuy nhiên, việc này ở thế giới và tại Việt Nam cũng có những nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng lại chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân, béo phì là hệ quả của nhiều nguyên nhân như thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền hoặc bệnh lý. Hơn nữa, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2023 đã chỉ ra rằng, học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt thường xuyên thấp hơn học sinh khu vực nông thôn. Mặt khác, việc hấp thụ đường còn tùy vào cơ địa của từng người. Điều này cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn. Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương đương hoặc cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế. Ví dụ trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn. Những nước này vốn khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.

Quốc hội thảo luận về lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, trong bối cảnh hiện tại, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và các chính sách hỗ trợ hậu COVID-19 đang trong quá trình chuyển tiếp thì việc đưa vào áp dụng một sắc thuế mới hoặc điều chỉnh tăng thuế suất nếu thực hiện quá sớm có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, tổng cầu và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung kiến nghị cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

Thay vì áp dụng mức thuế như quy định của dự thảo luật hiện nay thì chúng ta nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3% - 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, đối với quy định về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nước giải khát có hàm lượng đường 5h/100ml sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất nước giải khát trong nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa chịu gánh nặng, tăng thêm chi phí, khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu sẽ khó khăn. Giá thành sản phẩm tăng khiến cho tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động. Hơn nữa, còn ảnh hưởng tới người nông dân vì ngành nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như mía đường, trái cây, cà phê…

Theo đại biểu Mai Văn Hải, nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm có nhiều nguyên nhân khác nhau như sử dụng bánh kẹo, sữa có đường và nhiều đồ ngọt khác chứ không riêng việc sử dụng nước giải khát có đường. Do đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động ảnh hưởng từ việc áp thuế để có những biện pháp thực hiện hoặc lộ trình thực hiện phù hợp. Tại thời điểm hiện nay, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị chưa xem xét đánh thuế đối với nước giải khát.

Cần có lộ trình chuẩn bị khi áp thuế đối với mặt hàng mới

Đánh giá việc tác động của áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sản phẩm tự nhiên khác, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga. Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng mức 10% cho nước gọt có ga là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

Với bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị lùi thời điểm áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này sẽ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.

Quốc hội thảo luận về lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đứng ở góc độ nghiên cứu khác, đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá tán thành với việc quy định lộ trình áp thuế đối với mặt hàng mới. Đặc biệt, mặt hàng nước giải khát có đường là mặt hàng có mối liên hệ đến 25 ngành nghề liên quan trong chuỗi giá trị, như ngành hàng bán lẻ, du lịch, nhà hàng, khách sạn và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng mía, công ty sản xuất đường.

Tuy nhiên, với việc áp thuế đối với mặt hàng mới cần phải có lộ trình chuẩn bị dài hơi, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và gánh nặng về thuế, phí. Đặc biệt, khi Hoa Kỳ đang có động thái áp dụng thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược cũng kiến nghị nên áp mức thuế suất 5% đối với nhóm sản phẩm lần đầu tiên bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, phương án thuế suất 5% sẽ đảm bảo thực hiện các mục tiêu như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề ra, bao gồm: Điều tiết tiêu dùng, điều tiết sản xuất, đảm bảo sức khỏe của người dân, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Đồng thời, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng với sắc thuế mới, tái cơ cấu kinh doanh, duy trì hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động. Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị nghiên cứu bổ sung lộ trình áp dụng thuế suất đối với nước giải khát cụ thể như sau:

Phương án 1, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 1 năm, từ ngày 1/1/2027 đến 31/12/2027 mức thuế suất 5%, từ ngày 1/1/2028 đến 31/12/2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1/1/2029 mức thuế suất 10%. Phương án 2, lộ trình áp thuế sau khi luật có hiệu lực 2 năm, từ ngày 1/1/2028 đến 31/12/2028 mức thuế suất 8%, từ ngày 1/1/2029 mức thuế suất 10%.

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ đảm bảo quá trình triển khai, không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp có thời gian thay đổi chiến lược sản phẩm, hướng sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và vẫn đảm bảo mục tiêu kinh doanh và tăng trưởng của nền kinh tế.

Quốc hội thảo luận về lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo, tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật nhằm đảm bảo tính khả thi đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là thích hợp với diễn biến tình hình mới hiện nay, có thời gian hợp lý để doanh nghiệp và người dân điều chỉnh, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhiều đại biểu có ý kiến về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; việc xác định thuế tiêu thụ đặc biệt, quy định về tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành và nhiều nội dung quan trọng khác. Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu hoặc giải trình thuyết phục, trong đó lưu ý việc đánh giá tác động kỹ để có cơ sở và căn cứ khoa học. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện các báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

 VCCI đề nghị cân nhắc lộ trình và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

VCCI đề nghị cân nhắc lộ trình và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc điều chỉnh chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện.

Nguồn: https://baodaknong.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-lo-trinh-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-252041.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm