Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quyết tâm chính trị và những giải pháp căn cơ

Là chỉ tiêu pháp lệnh, để bảo đảm tăng trưởng năm 2025 trên 8%, với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, địa phương các cấp quyết liệt triển khai giải pháp cụ thể bảo đảm tạo chuyển biến rõ nét cho nền kinh tế ngay trong quý 2/2025.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk16/04/2025





    Để tháo gỡ khó khăn về khả năng tài chính khi năng lực tiếp cận các chương trình, chính sách của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, tạo đà cho các DN phát triển, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Huỳnh Văn Dũng, giải pháp hữu hiệu nhất là nhà nước cần tạo mọi điều kiện hỗ trợ về vốn tín dụng cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để các DN có thêm cơ hội phát triển. Đặc biệt cần thường xuyên quan sát thực trạng của DN để kịp thời có những chính sách mới như giảm tiền thuê đất, giảm các loại phí, thuế… để giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

    Sản xuất thép tại Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

    Ảnh: Nguyễn Gia

    Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Tài chính cũng đã cam kết, đơn vị sẽ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, hỗ trợ DN, sát cánh cùng nhà đầu tư, quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. UBND tỉnh đã tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sở Tài chính cũng đã có sáng kiến tổ chức “Cà phê doanh nhân” nhằm gặp gỡ các doanh nhân, DN cùng chia sẻ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.


    Nhằm gia tăng số lượng xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ thông tin và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho DN xuất khẩu nông sản của tỉnh, giúp nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm tỷ trọng xuất khẩu phụ thuộc vào một vài thị trường lớn bằng cách mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ động kiến nghị kịp thời với các bộ, ngành Trung ương xử lý những khó khăn vướng mắc của các DN của tỉnh về thị trường, cạnh tranh chống phá giá… Quan trọng hơn, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các DN để họ tận dụng các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP… để mở rộng thị phần.

    Cùng với nỗ lực của ngành chức năng, DN cũng đang chủ động nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại để tăng chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa. Đồng thời tận dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận trực tiếp khách hàng toàn cầu, xây dựng thương hiệu và marketing số hiệu quả hơn ở thị trường nước ngoài.

     

    “Người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nếu triển khai thực hiện không đạt chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể được giao”. 

     

    Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 

    Đơn cử như Simexco DakLak đang xuất khẩu 5-6% lượng hàng hóa qua Mỹ. Để giữ vững mức tăng trưởng đã đề ra, Simexco DakLak buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc hoạt động để giảm bớt thiệt hại khi việc áp thuế có hiệu lực. Trong đó giải pháp lâu dài để giảm thiểu những rủi ro về giá là thận trọng trong kinh doanh, không đầu cơ, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường tiềm năng để sẵn sàng thay thế khi cần thiết.


    Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Huấn, để đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh và tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, trong đó mới nhất là Công văn số 3091/UBND-NNMT, ngày 1/4/2025. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu cụ thể thời gian hoàn thành lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

    Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc đang được đẩy nhanh tiến độ.

    Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cùng với những nỗ lực của Sở, việc lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã có một số kết quả nhất định. Đến nay, đã có 5 huyện gửi hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 về Sở để thẩm định, trong đó đã tổ chức họp hội đồng thẩm định đối với 3 huyện gồm: Ea Kar, M’Drắk, Krông Pắc; đã lấy ý kiến thẩm định đối với 2 huyện gồm: Krông Bông, Krông Năng và dự kiến sẽ tổ chức thẩm định trước ngày 19/4/2025.

    Về kế hoạch sử dụng đất năm 2025, đến nay, đã có 15/15 đơn vị gửi hồ sơ về Sở để tổ chức thẩm định. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ của 5 huyện. Các hồ sơ còn lại, Sở đang trình UBND tỉnh duyệt, ban hành thông báo thẩm định và ban hành văn bản lấy ý kiến thẩm định. Sở cũng đã tiến hành rút ngắn thời gian thực hiện các bước thẩm định, phê duyệt từ 1/3 đến 1/2 so với quy định; tập trung nhân lực trong công tác thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng UBND các huyện trong công tác hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trình UBND tỉnh phê duyệt.


    Một trong những giải pháp căn cơ được tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, triển khai các thủ tục liên quan đối với các dự án năng lượng tái tạo bảo đảm tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

    Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tỉnh có 8 dự án điện gió với công suất 662 MW, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, đang tiến hành các bước nhằm lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án. Tỉnh cũng được phân bổ công suất tăng thêm cho các dự án năng lượng mặt trời giai đoạn 2025 - 2030 và 2031 - 2035 tổng cộng 10.658 MW điện gió và điện mặt trời. UBND tỉnh đã có báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy thống nhất danh mục các dự án, nhà máy điện năng lượng mặt trời. Như vậy, từ nay đến năm 2035, nếu triển khai thực hiện được hết quy mô, công suất, tỉnh sẽ có nguồn lực tăng thêm là 230.000 tỷ đồng, vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.

    Để khai thác tiềm năng từ năng lượng tái tạo, tạo động lực cho tăng trưởng, các sở, ngành của tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch tiến độ kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng đã được phê duyệt trong Quyết định số 500/QĐ-TTg và Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó tập trung phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, bổ sung các dự án này vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm để làm cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, theo dõi, phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho 4 dự án với tổng công suất 200 MW tại huyện Krông Búk để sớm đưa vào vận hành phát điện tạo thêm giá trị sản xuất công nghiệp.


     

    Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/quyet-tam-chinh-tri-va-nhung-giai-phap-can-co-8a719ea/


    Bình luận (0)

    No data
    No data

    Cùng chuyên mục

    Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
    Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
    Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
    Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

    Cùng tác giả

    Di sản

    Nhân vật

    Doanh nghiệp

    No videos available

    Thời sự

    Hệ thống Chính trị

    Địa phương

    Sản phẩm