
Sự kiện do Trung tâm Phát triển và Quảng bá sách văn học Việt Nam (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức ngày 5-4, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, đây là dịp tôn vinh tâm huyết dành cho trang viết của nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn, đồng thời khơi dậy trong lòng độc giả tình yêu với văn học, lịch sử và những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó cũng là lời khẳng định rằng, văn học Việt Nam vẫn đang tiếp tục hành trình ghi dấu những câu chuyện đẹp đẽ và ý nghĩa của con người và thời đại.

Xúc động chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Thuận Hữu cho biết, là người con của ngư dân làng chài ở miền ví giặm Hà Tĩnh, ông may mắn trưởng thành trong nghề báo, được đi nhiều, học nhiều và sống ở nhiều miền quê khác nhau của Tổ quốc. Trong hơn 20 năm gắn bó với miền Trung - Tây Nguyên, ông đã gặp nhà văn Phan Đức Nhạn và thân thiết cho đến tận bây giờ.

Góp cho đời tiếng nói một tình nhân
Tập thơ “Nhặt dọc đường” của nhà thơ Thuận Hữu do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, là tác phẩm thứ tư của ông sau “Những phút xao lòng” (tập thơ, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, 1987), “Ngọn đèn ban ngày” (tập truyện, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 1988), “Biển gọi” (tập thơ, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2000).
“Nhặt dọc đường” gồm hơn 100 bài thơ, đúng như lời đề tựa của tác giả “Ngồi nhặt lại những mảnh hồn rơi vãi/Góp cho đời tiếng nói một tình nhân”.

Tác phẩm có 3 phần: “ Quê hương - đất nước”, “Người thân - ký ức”, “Tình biển - tình em”. Tập thơ dung dị nhưng đầy sức mạnh, mỗi câu chữ là tiếng ngân vang của một tâm hồn nhạy cảm và yêu đời. Dù luôn khiêm nhường không nhận danh xưng “nhà thơ”, nhưng Thuận Hữu ghi dấu ấn sâu đậm với những vần thơ tự nhiên như hơi thở, giản dị như cuộc sống.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Một điều tôi nhận ra trong dọc “đường thơ’’ của Thuận Hữu là vẻ đẹp và thông điệp của lẽ sống luôn ẩn chứa quanh ta. Thơ Thuận Hữu giống như một quả chuông, chuyển động trong đời sống, chạm vào niềm vui, nỗi buồn và tự vang lên. Khi ông viết về nỗi đau hay bóng tối, cái đẹp, tình yêu thương và ánh sáng hy vọng vẫn vượt qua tất cả để ngân vang”.
Tập thơ “Nhặt dọc đường” không chỉ là lời tự sự của một người từng đi qua nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương, mà còn là lời mời gọi độc giả lắng nghe những âm thanh kỳ diệu của cuộc đời, từ đó tìm lại những giá trị tưởng chừng đã lãng quên.
Hồi ức về vùng cát trắng anh hùng

Còn tập bút ký “Xa và gần” của nhà văn Phan Đức Nhạn là tiếng nói từ trái tim của một con người sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - mảnh đất thấm đẫm máu và mồ hôi trong bom đạn chiến tranh. Với giọng văn mộc mạc, chân thành, Phan Đức Nhạn đưa người đọc trở về một thời bi tráng, nơi những con người của vùng quê bình dị đã viết nên huyền thoại của khát vọng hòa bình mãnh liệt.

Cuốn sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm 2 phần “Người vùng cát”, “Những người không xa”. Viết lời nhận định cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: ““Xa và gần” không phải là những trang văn hay trang sử thông thường. Đấy là một cái gì đó cao hơn tất cả, được viết bởi một con người đã sống vùi trong cát, trong bom đạn, trong máu chảy và trong những giấc mơ bất diệt về hòa bình”. Tác phẩm là bài ca kỳ vĩ về ý chí và lòng quả cảm của con người Việt Nam.
Hai cuốn sách được in cùng nhiều bức tranh của các họa sĩ đương đại nổi tiếng. Trong đó, tập thơ “Nhặt dọc đường” có 30 bức tranh phụ bản hoạ sĩ Đào Hải Phong vẽ theo cảm xúc từ những câu thơ gợi mở. Các bức tranh cũng được trưng bày tại buổi lễ ra mắt sách, tạo nên bản giao hòa độc đáo của ngôn từ và hình khối, màu sắc.
Còn tập bút ký “Xa và gần” có tranh của ba họa sĩ Đào Hải Phong, Đỗ Trung Quân và Vũ Trọng Anh làm phụ bản.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ra-mat-tho-va-but-ky-cua-hai-tam-hon-lon-thuan-huu-va-phan-duc-nhan-698010.html
Bình luận (0)