Dù đã ra trường đi làm nhưng nhiều sinh viên vẫn mù mờ luật lao động - Ảnh: M.T.
Để tránh những thiệt thòi đáng tiếc, sinh viên cần chủ động trang bị kiến thức về Luật Lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi đối diện với nhà tuyển dụng và biết cách bảo vệ bản thân trước những rủi ro nghề nghiệp.
Mập mờ lương, bảo hiểm, luật
Đức Phong - sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - chính thức bước vào thị trường lao động sau một thời gian làm cộng tác viên tự do. Tuy nhiên, ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên cho một vị trí toàn thời gian, Phong đã đối mặt với sự mơ hồ về quyền lợi lao động.
"Khi phỏng vấn, công ty nói mức lương thử việc là 80% so với lương chính thức. Vì không nắm rõ quy định nên tôi đồng ý. Sau đó tôi mới hỏi lại các anh chị có kinh nghiệm và biết rằng theo luật hiện hành, mức lương thử việc tối thiểu phải là 85%", Phong kể.
Không dừng lại ở đó, khi được báo mức lương cụ thể, Phong nghĩ rằng đó là số tiền thực nhận, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm thất nghiệp sẽ được công ty tự khấu trừ. Tuy nhiên, khi gửi email hỏi lại thì câu trả lời của công ty lại khá mập mờ, không nêu rõ các khoản khấu trừ, khiến anh cảm thấy không yên tâm.
"May là tôi chưa ký hợp đồng ngay lúc đó. Nếu không hỏi lại thì chắc tôi cũng không biết mình đang bị thiệt", Phong chia sẻ.
Không riêng gì sinh viên tại các thành phố lớn, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh thành khác cũng dễ bị thiệt thòi khi đi làm do thiếu hiểu biết về quyền lợi lao động.
Quỳnh Như - sinh viên tại Huế - từng nhận việc làm bán thời gian với mức lương 16.000 đồng/giờ. Vì không nắm rõ quy định về mức lương tối thiểu, Như đã đồng ý với mức chi trả này mà không hề thắc mắc.
"Lúc đó mình chỉ nghĩ có việc là tốt rồi, nên không hỏi gì thêm. Sau này mới biết mức lương đó khá thấp so với mặt bằng chung", Như chia sẻ.
Điều đáng nói là do không ký hợp đồng rõ ràng, đến tháng cuối cùng, Như bị công ty cắt bớt tiền lương mà không nhận được lời giải thích cụ thể nào.
"Mình cũng không biết hỏi ai, và không có bằng chứng gì nên đành chịu mất luôn", Như nói.
Sinh viên cần chủ động nắm luật, tránh rủi ro
Những trường hợp như Phong hay Như không phải hiếm. Theo ThS Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - tình trạng sinh viên thiếu hiểu biết về luật lao động hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: chương trình học chưa tích hợp đủ kỹ năng pháp lý thực tiễn, môi trường thực hành hạn chế, và hơn hết là tâm lý "lơ là" khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để khắc phục điều này, sinh viên cần chủ động tìm hiểu và trang bị kiến thức về các luật quan trọng, thiết thực nói chung, cũng như luật lao động nói riêng ngay từ khi còn học, thông qua các nguồn tài liệu, các khóa học, và tham gia các hoạt động thực tế. Điều quan trọng là phải nắm vững những quy định cơ bản để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
"Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng giai đoạn chuẩn bị gia nhập thị trường lao động là thời điểm vàng để các bạn chủ động tìm hiểu sâu về luật lao động. Sự chủ động này không chỉ giúp các bạn tự tin hơn mà còn trang bị cho mình khả năng ứng phó với những vấn đề pháp lý có thể phát sinh", ông Nam nhấn mạnh.
ThS Võ Ngọc Nhơn - phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cho rằng với người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, hiểu biết về luật lao động không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp, mà còn bảo vệ mình trước những rủi ro.
Ngoài ra, các trường đại học nên tích cực hỗ trợ sinh viên thông qua một số hoạt động như đưa môn luật lao động và kỹ năng tìm việc vào chương trình giảng dạy, lồng ghép các tình huống thực tế như ký hợp đồng, tăng ca, nghỉ việc sai quy định... nhằm giúp sinh viên dễ tiếp cận và ứng dụng.
Bên cạnh đó, trường tổ chức các buổi workshop với luật sư, chuyên gia nhân sự và cựu sinh viên để chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
"Tất cả những giải pháp này đều hướng tới mục tiêu chung là trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ quyền lợi, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp ngay từ những bước đầu lập nghiệp", ông Nhơn nhấn mạnh.
Trách nhiệm không thể né tránh của sinh viên
Theo ThS Đào Duy Khánh - chuyên gia bảo hiểm xã hội, trong bối cảnh Gen Z dần trở thành lực lượng lao động chủ lực, việc chủ động trang bị kiến thức về luật lao động không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm thiết yếu của mỗi sinh viên.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, khi thị trường việc làm liên tục xuất hiện nhiều mô hình mới như freelance, hybrid hay gig economy, việc hiểu và cập nhật luật lao động lại càng trở nên cấp bách. Nếu thiếu kiến thức, sinh viên rất dễ rơi vào những hợp đồng bất lợi, thậm chí gặp khó khăn khi phát sinh tranh chấp và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, việc không nắm vững luật cũng khiến sinh viên mất đi sự tự tin khi giao tiếp và đàm phán với nhà tuyển dụng - một yếu tố quan trọng quyết định bước khởi đầu trong sự nghiệp.
"Hiểu luật không phải để làm khó ai, mà là để không ai có thể dễ dàng làm khó mình", ông Khánh nhấn mạnh.
Thúc đẩy giáo dục pháp luật cho sinh viên năm cuối
ThS Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết nhằm trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn hiểu biết đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ trong môi trường lao động, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó có việc tích hợp môn Pháp luật đại cương vào chương trình học, tổ chức các buổi chuyên đề về luật lao động trong hoạt động sinh hoạt công dân đầu khóa dành cho sinh viên năm cuối, đẩy mạnh các chương trình tìm hiểu kiến thức pháp luật, đồng thời khuyến khích sinh viên chủ động tham gia các kỳ thực tập tại doanh nghiệp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ra-truong-di-lam-nhieu-sinh-vien-mu-mo-luat-lao-dong-20250418114621128.htm
Bình luận (0)